Cần chiến lược “hồi hương” cổ vật
Khi bàn về tình trạng “chảy máu” cổ vật, các chuyên gia di sản văn hóa đều cho rằng, ngoài việc bắt buộc phải đăng ký cổ vật thuộc sở hữu tư nhân với các cấp quản lý thì rất cần một chiến lược phù hợp để tôn vinh cổ vật, cũng là tôn vinh văn hóa Việt Nam.
Đồng thời, chiến lược này khi được cụ thể hóa bằng những quy định của luật pháp, bằng cơ chế, chính sách hợp lòng người sẽ giúp chúng ta “hồi hương” nhiều cổ vật có giá trị.
Không dễ đăng ký đại trà
Mặc dù có nhiều hình thức khuyến khích, nhưng thời gian qua việc đăng ký cổ vật thuộc sở hữu tư nhân vẫn diễn ra lẻ tẻ. Nguyên nhân được chỉ ra rằng: Một số tổ chức, cá nhân đang sở hữu cổ vật chưa nhận thức được lợi ích trong việc đăng ký với cơ quan nhà nước; quy trình đăng ký cổ vật còn chung chung, đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ giám định cổ vật còn thiếu và yếu…
Việc nhiều cổ vật trong nhân dân chưa được đăng ký bị xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài. Đề cập đến vấn đề này, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp về việc đăng ký cổ vật trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân. Việc đăng ký cổ vật có nhiều lợi ích như: Quản lý được sự biến động trong các sưu tập; định hướng được đối tượng cổ vật cần sưu tầm, lưu gửi, phát huy, thừa nhận quyền sở hữu cổ vật, đánh giá được tình trạng hiện vật đang được lưu giữ để có phương án bảo quản”.
Cổ vật áo nhật bình cung tần triều Nguyễn được Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công tại Tây Ban Nha và hiến tặng tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: LÊ CHUNG. |
Tuy nhiên, với giới sưu tập, việc đăng ký cổ vật sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nhà sưu tập gốm sứ Nguyễn Đương cho biết: “Số lượng cổ vật trong nhân dân lớn, nên rất khó triển khai đăng ký đại trà. Ngoài ra, nhiều nhà sưu tập không dễ chứng minh nguồn gốc cổ vật, bởi hầu hết các giao dịch mua bán, trao đổi, biếu tặng đều không có hóa đơn, chứng từ. Điều tôi lo ngại nhất là trong quá trình đăng ký, nhà sưu tập có thể bị gây khó dẫn đến bị thu hồi cổ vật. Nếu quá trình thẩm định không đúng chuyên môn thì dễ tiếp tay cho các đối tượng làm ăn phi pháp. Tôi cho rằng, chỉ nên khuyến khích các cá nhân đăng ký cổ vật quý có giá trị cao”.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Văn Phát, Chủ tịch Câu lạc bộ Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Quảng Nam cho rằng: “Sẽ rất khó thực hiện đăng ký cổ vật trên diện rộng bởi đa số người chơi cổ vật không lưu giữ một món đồ được lâu mà trao đổi, mua bán liên tục. Đó còn chưa kể mỗi người sưu tập có cả trăm, cả ngàn cổ vật thì làm sao kê khai được. Ngoài ra, việc đăng ký đồng nghĩa với việc kiểm định, thẩm định tuổi và giá trị của cổ vật. Đây là điều mà các cơ quan quản lý đang bỏ ngỏ, chưa có chuyên gia và thiết bị thực thụ để thẩm định cổ vật. Chưa nói đến việc kiểm kê, đăng ký cổ vật sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí cao. Ngay cả các cổ vật mà dân mình đấu giá ở các sàn quốc tế vẫn dính nhiều đồ giả, đồ nhái”.
Giải bài toán đưa cổ vật Việt Nam về nước
“Chảy máu” cổ vật là hiện tượng xảy ra ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, chủ yếu bằng con đường phi pháp và Việt Nam cũng không nằm ngoài. Tuy nhiên, hơn 20 năm trở lại đây, với sự ra đời Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 thì tình trạng “chảy máu” cổ vật đã được hạn chế, đồng thời tạo điều kiện để một tầng lớp thương nhân có trí thức, tâm huyết với di sản văn hóa góp phần bảo tồn, đưa cổ vật của Việt Nam trở về nước.
Từ thực tiễn cho thấy, những năm qua, Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tạo môi trường thuận lợi để “hồi hương” cổ vật thông qua các phương án như: Tạo điều kiện để xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, hình thành Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, đấu giá thành công chiếc xe kéo tay của vua Thành Thái tặng thái hậu Từ Minh.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất: “Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để các địa phương, bảo tàng có cơ sở mua lại các cổ vật từ người nước ngoài đưa về nước. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý theo hướng cho phép tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam; tạo hành lang pháp lý thông thoáng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đưa cổ vật của Việt Nam về nước. Trong thực tế, thủ tục, quy định mà một bảo tàng công lập phải tuân thủ khi mua cổ vật phải trải qua nhiều khâu nên dẫn đến sự chậm trễ, khó khăn trong quá trình sưu tầm, đấu giá”.
Thời gian qua, việc “hồi hương” cổ vật đã xuất hiện ngày một nhiều hơn, nhưng vẫn còn lẻ tẻ, rời rạc, thiếu định hướng do tự phát. Luật Di sản văn hóa hiện chưa có một điều luật hay một văn bản dưới luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật của Việt Nam về nước. Vì vậy, khi các tổ chức, cá nhân muốn đưa cổ vật “hồi hương” phải đối diện với nhiều thủ tục hành chính, nhiều khi còn là sự quản lý chồng chéo của các ngành hải quan, thuế, quản lý văn hóa… TS Phạm Quốc Quân cho biết thêm: “Chúng ta đang rất cần một chiến lược cụ thể, bài bản để “hồi hương” cổ vật. Chiến lược này phải được cụ thể hóa bằng những quy định của luật pháp, bằng cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng sự cổ vũ, động viên của toàn xã hội”.
Ý kiến ()