Cần chặt hơn từ cơ chế chính sách
LSO-Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nạn xe hợp đồng trá hình trên địa bàn thành phố Lạng Sơn nhưng hiệu quả còn hạn chế. Để làm rõ thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn đại diện một số doanh nghiệp, cơ quan chức năng nêu quan điểm về vấn đề này.
Ông Hứa Văn Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn:“Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ”.
Hiện trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có một lượng lớn các phương tiện vận tải khách là xe hợp đồng trá hình đưa, đón khách tại nhà, cạnh tranh không lành mạnh, gây bức xúc đối với các phương tiện vận tải khách đăng ký tuyến cố định. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý đối với phương tiện này gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết các nhà xe đều thảo sẵn các mẫu hợp đồng và có đủ giấy tờ liên quan đến việc thực hiện vận tải khách theo hợp đồng. Nhưng thực chất hầu hết các phương tiện này đều chở khách đi lẻ chứ không theo nhóm hay tổ chức nào cả. Do vậy, để có thể quản lý được những phương tiện này thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ hơn trong kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm; có sự liên hệ giữa các cơ quan quản lý cấp giấy phép vận tải khách hợp đồng với cơ quan thanh tra và cảnh sát giao thông. Qua đó, nhằm kiểm soát chặt chẽ xe hợp đồng trá hình, tạo sự cạnh tranh công bằng.
Ông Lộc Viết Nghĩa, Phó Trưởng Bến xe khách phía Bắc, Công ty Cổ phần Sao Vàng: “Rất mong các cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện này”.
Các phương tiện vận tải khách theo hình thức hợp đồng trá hình hoạt động mạnh trong thời gian qua, đặc biệt là các xe hợp đồng chạy tuyến Hà Nội – Lạng Sơn và ngược lại đã ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường vận tải khách và nguy cơ phá vỡ quy hoạch vận tải của tỉnh đã được phê duyệt. Không những vậy, nó còn gây khó khăn cho các nhà xe tuyến cố định trong việc mở rộng tìm kiếm khách hàng, doanh thu vận tải của các nhà xe cũng như các bến xe khách trên địa bàn bị sụt giảm. Để dẹp bỏ triệt để nạn xe hợp đồng trá hình, rất mong các cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ hơn đối với các phương tiện này, tạo sự công bằng cho các nhà xe tuyến cố định.
Ông Hoàng Khánh Dư, Phó Chánh Thanh tra, Sở Giao thông – Vận tải:“Giải quyết nạn xe hợp đồng trá hình cần sửa đổi một số quy định tại Nghị định 86”.
Ngày 1/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tại điều 7 quy định đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông – Vận tải nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.
Ở đây có một điểm bất cập là các quy định của nghị định rất chung chung, không chi tiết, điều này gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi kiểm tra xử lý. Ngoài ra, khi thực hiện hợp đồng, các chủ phương tiện chỉ cần gửi thông báo tới cơ quan cấp phù hiệu cho phương tiện chứ không gửi tới cơ quan quản lý vận tải nơi phương tiện thực hiện trả khách dẫn tới công tác phối hợp quản lý giữa đơn vị cấp phù hiệu và địa phương nơi phương tiện trả khách. Do vậy, để giải quyết nạn xe hợp đồng trá hình cần chặt chẽ hơn từ cơ chế chính sách. Theo đó, cơ quan chức năng cần tổng hợp những bất cập quy định tại Nghị định 86 để đề xuất, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét, sửa đổi một số điều của nghị định cho phù hợp với thực tế quản lý phương tiện vận tải khách trong giai đoạn hiện nay.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()