LSO- Suốt một thời gian dài, các lực lượng chức năng chỉ quan tâm bắt giữ, xử lý gia súc gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm “bẩn” nhập lậu mà bỏ qua một lượng lớn nông sản kém chất lượng. Trong khi đó, nông sản “bẩn” cũng gây hại không kém gì thực phẩm kém chất lượng. Mãi đầu tháng 10/2012, khi Đội Quản lý Thị trường số 2 đóng tại Đồng Đăng (Cao Lộc) phát hiện và xử lý gần 10 tấn nông sản kém chất lượng nhập khẩu qua biên giới dư luận mới quan tâm đến vấn đề nông sản kém chất lượng nhập lậu. Sau khi bắt giữ lô hàng gồm 2 tấn hành tây, trên 5 tấn hành khô, 2 tấn khoai tây được chở bằng xe tải từ Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng vào nội địa, qua đấu tranh khai thác, chủ hàng Đỗ Thị Minh Liên trú tại Bắc Giang khai nhận đã mua số hàng này tại Pò Chài Trung Quốc với tổng số tiền 20 triệu đồng. Trong khi đó nếu tính giá trị lô hàng ở thị trường các tỉnh miền xuôi như Bắc Giang, Bắc...
LSO- Suốt một thời gian dài, các lực lượng chức năng chỉ quan tâm bắt giữ, xử lý gia súc gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm “bẩn” nhập lậu mà bỏ qua một lượng lớn nông sản kém chất lượng. Trong khi đó, nông sản “bẩn” cũng gây hại không kém gì thực phẩm kém chất lượng.
Mãi đầu tháng 10/2012, khi Đội Quản lý Thị trường số 2 đóng tại Đồng Đăng (Cao Lộc) phát hiện và xử lý gần 10 tấn nông sản kém chất lượng nhập khẩu qua biên giới dư luận mới quan tâm đến vấn đề nông sản kém chất lượng nhập lậu. Sau khi bắt giữ lô hàng gồm 2 tấn hành tây, trên 5 tấn hành khô, 2 tấn khoai tây được chở bằng xe tải từ Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng vào nội địa, qua đấu tranh khai thác, chủ hàng Đỗ Thị Minh Liên trú tại Bắc Giang khai nhận đã mua số hàng này tại Pò Chài Trung Quốc với tổng số tiền 20 triệu đồng. Trong khi đó nếu tính giá trị lô hàng ở thị trường các tỉnh miền xuôi như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội thì không dưới 50 triệu đồng. Chủ hàng cũng khai thêm, do tham rẻ nên đã mua về Việt Nam bán mặc dù biết chắc đây là hàng nông sản thải loại đã bị phía nước bạn cấm trong nội địa.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra nông sản “bẩn” bị thu giữ
Lần theo thông tin của lô hàng, chúng tôi có mặt tại cánh gà Cửa khẩu Tân Thanh. Toàn bộ khu vực cánh gà cửa khẩu có trên 20 hộ thuộc các thôn của xã Tân Thanh, xã Tân Mỹ, thị trấn Na Sầm đến đây làm ăn. Theo Chị Lương Thị Bóng, người dân thị trấn Na Sầm, một số hộ dân ở đây sang nước bạn làm thuê, sau mỗi ngày làm việc họ trở về nhà và tiện “nhặt” theo khá nhiều đồ rau quả thực phẩm kém chất lượng do các cửa hàng nước bạn bán rẻ. Trong số đó không ít đồ chất trong kho chờ tiêu hủy. Có khi mua được những lô hàng rẻ do chủ hàng bán tháo, họ mang về Lạng Sơn hoặc các tỉnh phía sau bán với giá rẻ bất ngờ.
Tìm hiểu qua những người dân ở cánh gà cửa khẩu, họ khẳng định rất nhiều nông sản kém chất lượng được nhập qua đây, nhất là bắp cải, hành tây, cải bẹ, khoai tây… Những loại rau củ này họ mua với giá rất rẻ, thậm chí là xin được, về bóc lớp lá ngoài thì rau kém chất lượng, bị thải loại lại trở thành rau tươi ngon bày bán tại các chợ. Ông Hoàng Văn Kính, trú tại khu đường mòn Lọ Bon thuộc xã Tân Thanh khẳng định, mỗi mùa rau quả bên họ có gì thì bên ta có nấy. Bên họ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm rất chặt, có những loại rau chỉ cho phép bán trong ngày. Chế tài xử phạt vệ sinh an toàn thực phẩm nặng, cao nhất là cấm kinh doanh, vì thế các thương gia thà đổ đi còn hơn bị phạt. Trong câu chuyện ông kể, cuối năm 2011, có một xe bắp cải phải hủy bên nước bạn, người dân ta đã xin mua lại, chuyển về đến đường mòn Tân Thanh do còn nguyên bao bì, nhãn mác, có nhà xe đã trả tới vài chục triệu đồng và mang tiếp vào nội địa tiêu thụ. Theo lời ông Kính kể thì rất nhiều rau quả kém chất lượng đã được nhập vào Việt Nam bằng con đường này.
Thực tế mỗi mùa dưa, hiện tượng dưa quay đầu trở lại tiêu thụ trong nội địa thực chất là hàng kém chất lượng bị thải loại không đủ tiêu chuẩn nên họ buộc tái xuất. Qua hiện tượng này rõ ràng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của ta và bạn khác nhau, vì thế mới có chỗ cho nông sản kém chất lượng được nhập vào nội địa. Trên các cửa khẩu thông thương với nước bạn, hiện tượng xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm khá phổ biến theo quan hệ cung cầu. Thế nhưng việc kiểm tra, kiểm soát hàng nông sản khá lỏng lẻo bởi chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy mới có hiện tượng nhập nông sản kém chất lượng bị Đội Quản lý Thị trường số 2 xử lý. Ông Chu Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 2 cho biết, hiện tượng nông sản kém chất lượng nhập lậu qua biên giới đã có từ lâu, nhưng chủ yếu do cư dân biên giới đi chợ mua, vận chuyển về nên rất khó xử lý. Để xử lý triệt để cần ngăn chặn từ biên giới, bởi khi hàng vào nội địa rất khó kiểm soát nguồn gốc. Với các mặt hàng mau hỏng thì việc xử lý càng khó hơn nhiều.
Qua hiện tượng nhập lậu nông sản kém chất lượng vào biên giới, các lực lượng chức năng cần đấu tranh kiên quyết hơn. Tuyên truyền để người dân biên giới hiểu rõ về tác hại của nông sản “bẩn”. Cần có chế tài xử phạt nghiêm, bởi đằng sau câu chuyện nông sản kém chất lượng sẽ là câu chuyện chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân.
Bài ảnh: Nguyễn Đông Bắc
Ý kiến ()