"Cần câu cơm" mới của người dân Watamu
Watamu là thị trấn du lịch nổi tiếng thuộc miền duyên hải Kenya. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng rác thải nhựa dọc các bờ biển Ấn Độ Dương thời gian gần đây đã khiến du khách vắng bóng dần ở Watamu. Điều này đã giáng một đòn mạnh vào sinh kế của người dân địa phương, khiến nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm và thu nhập ngày càng ít ỏi.
Trước thực tế trên, một mạng lưới phụ nữ và thanh niên bảo tồn biển địa phương đã ra đời với mục đích thu thập các mảnh nhựa trôi dạt từ bờ biển Ấn Độ Dương để tái chế và tái sử dụng. Hành động này vừa giúp bảo vệ môi trường vừa giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Kadzo, một bà mẹ của 4 đứa con chia sẻ, người dân địa phương rất đau lòng khi phải chứng kiến tác hại của rác thải nhựa đối với vẻ đẹp của bãi biển cùng những loài sinh vật biển, bởi điều này cũng đồng nghĩa sinh kế của cộng đồng đang bị đe dọa. Do đó, người dân đã buộc phải chung tay hành động. Ban đầu, họ chỉ ngẫu nhiên cùng nhau thu dọn rác thải nhựa với mong muốn có thể trả lại vẻ đẹp cho các bãi biển ở Watamu. Khi đó, họ chưa thể ngờ rằng rác thải nhựa chính là nguồn sinh kế bền vững.
Người dân Watamu nhặt rác thải nhựa làm sạch bãi biển. Ảnh: the-star.co.ke |
Bà Karen Njue, Giám đốc doanh nghiệp EcoWorld ở thị trấn Watamu khẳng định, dự án tái chế rác thải nhựa của doanh nghiệp này đã góp phần hồi sinh hệ sinh thái biển đồng thời tạo nguồn thu mới cho phụ nữ và thanh niên địa phương. Bà cho biết, doanh nghiệp này trả 500 shilling (4,29USD)/ngày cho mỗi người tham gia thu gom và phân loại rác thải nhựa.
Ngoài ra, EcoWorld đã duy trì mô hình kinh doanh của mình thông qua việc bán các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa cho các doanh nghiệp xanh. “Tôi đã học được rất nhiều khi tham gia mạng lưới bảo tồn biển ở địa phương. Hiện tôi có thể làm móc chìa khóa, đế lót cốc… từ nhựa tái chế, qua đó có thêm thu nhập cho bản thân và gia đình”, anh Anderson Kenga, 20 tuổi, cho biết.
Theo ông Eric Okuku, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hải dương và Thủy sản Kenya (KEMFRI), nhựa chiếm 58% rác biển trên các bãi biển ở quốc gia châu Phi này. 31% trong số 37.000 tấn rác thải nhựa đổ vào bờ biển Kenya hằng năm có thể tái chế được và quốc gia này đã phát triển một kế hoạch hành động về rác thải trên biển, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Ý kiến ()