Cần cập nhật kiến thức mới vào bài giảng
Việc cập nhật, bổ sung kiến thức mới vào bài giảng lý luận chính trị là cần thiết. Tuy vậy, một số ít giảng viên hoặc vì thiếu thông tin, ngại đọc tài liệu, hoặc do trung thành một cách quá cứng nhắc với giáo án đã được phê duyệt nên chưa đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng bài giảng.
Trước khi nhập môn học “Xã hội học trong lãnh đạo, quản lý”, học viên lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị được cấp tài liệu xuất bản cuối năm 2021. Các bài học trong tài liệu này đã được cập nhật, bổ sung nhiều nội dung của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và nhiều bài được chỉnh sửa, bổ sung, kết cấu lại các phần nội dung kiến thức bảo đảm tăng tính cập nhật tri thức mới, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập về môn xã hội học trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Trong bài giảng đề cập đến cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội ở Việt Nam, từ đầu đến cuối bài giảng, giảng viên chỉ sử dụng cụm từ “cấu trúc xã hội” mà không sử dụng từ “cơ cấu xã hội” như giáo trình mới nhất đã cập nhật, đồng thời, đây cũng là cụm từ đã được sử dụng tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Giờ giải lao, khi trò chuyện, một học viên trao đổi với giảng viên: “Vì sao thầy không dùng cụm từ “cơ cấu xã hội” thay cho cụm từ “cấu trúc xã hội” cho phù hợp với Văn kiện Đại hội XIII của Đảng?” thì nhận được câu trả lời: “Vì bài giảng này đã được các cấp thông qua từ trước năm 2021 nên muốn thay đổi một cụm từ nào cũng phải xin ý kiến, báo cáo cấp trên”.
Ảnh minh họa:TTXVN. |
Cũng vẫn môn học này, ở bài “Chính sách xã hội trong lãnh đạo, quản lý”, dù tài liệu mới đã cập nhật, bổ sung một số chính sách xã hội nhưng giảng viên vẫn giới thiệu với học viên về các chính sách xã hội được đề cập trong tài liệu cũ. Có học viên băn khoăn là tại sao giảng viên không cập nhật nội dung kiến thức mới nhất để giới thiệu cho học viên thì nhận được hồi âm rằng, giảng viên phải tuân thủ nghiêm túc bài giảng đã được cấp trên phê duyệt. Bất cứ sự thay đổi nào về nội dung, kết cấu bài giảng mà không được cấp trên đồng ý thì giảng viên cũng không được phép.
Từ hai câu chuyện nêu trên có thể nói, xét về nguyên tắc, giảng viên đã tuân thủ đúng nội dung giáo án được cấp trên phê duyệt. Tuy nhiên, xét về mặt phương pháp và kỹ năng sư phạm, giảng viên lại chưa thể hiện sự nhanh nhạy, năng động trong việc nghiên cứu, cập nhật, bổ sung những kiến thức mới vào bài giảng để làm cho tiết giảng vừa tăng thêm sự mới mẻ, sinh động, vừa đáp ứng nhu cầu tiếp thu kiến thức mới nhất của học viên.
Tìm hiểu được biết, mỗi lần thông qua giáo án, bài giảng là một lần các giảng viên ở các học viện, nhà trường phải chuẩn bị hết sức công phu, kỹ lưỡng về nội dung và phương pháp sư phạm. Có thể có những môn học, nội dung học (nhất là khoa học tự nhiên, ngoại ngữ) ít có thay đổi, biến động về mặt kiến thức cơ bản. Nhưng đối với các môn học liên quan đến chính trị, khoa học xã hội thì giảng viên cần thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời cập nhật, bổ sung những kiến thức mới nhất vào bài giảng nhằm đáp ứng nhu cầu, mong muốn tiếp cận tri thức mới của học viên.
Mỗi giáo án, bài giảng là sự kết tinh mồ hôi, công sức, trí tuệ, tài năng, tâm huyết của nhà giáo. Để có giáo án tốt, bài giảng hay, thông tin mới, đủ sức thuyết phục thì không chỉ đề cao vai trò, trách nhiệm của giảng viên trong việc chuẩn bị tài liệu căn cốt trong giờ giảng mà cần sự quan tâm sát sao, sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời của các cấp có thẩm quyền phê duyệt bài giảng. Giải pháp căn cơ hơn là chú trọng tạo ra môi trường sư phạm nhân văn, lành mạnh và môi trường học thuật dân chủ, thân thiện để các nhà giáo và nhà quản lý giáo dục tìm được tiếng nói chung trong việc xây dựng những tài liệu, giáo án, bài giảng tốt nhất nhằm phục vụ, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo nói chung và giảng dạy lý luận chính trị nói riêng.
Ý kiến ()