Cần cân nhắc kỹ lưỡng tính khả thi của nguồn vốn xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành
- Sáng 29-10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Xây dựng sân bay có quy mô tầm cỡ trong khu vực
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình trước Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó dự án được chia làm ba giai đoạn với tổng mức đầu tư là 18,7 tỷ USD. Mức công suất của hàng không quốc tế Long Thành được xác định 100 triệu hành khách/năm, gấp 4 lần mức tối đa của sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT cho biết mức công suất của Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đánh giá là phù hợp trong quan hệ so sánh với công suất quy hoạch của các sân bay khu vực và mức độ hành khách đạt được của một số sân bay trên thế giới.
Dự kiến xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA…) là 84.624 tỷ đồng. Vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP) là 79.965 tỷ đồng. Các phương án huy động vốn gồm ODA, vốn thông qua các dự án PPP, BOT, đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, đầu tư từ các hãng hàng không và các nhà đầu tư thông qua việc đầu tư vào các hạng mục có khả năng thu hồi vốn cao.
Bộ GTVT cho biết, việc xây dự án sẽ giúp hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải.
Dự báo hiệu quả của dự án là lạc quan
Theo báo cáo thẩm tra dự án của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, lợi ích kinh tế của dự án được tính toán trên cơ sở lợi ích tăng thêm từ việc khai thác kinh doanh cảng hàng không, nguồn thu từ chi tiêu của du khách nước ngoài. Tuy nhiên, đây là dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được, thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ… Nói cách khác là phải bảo đảm tính cạnh tranh liên tục với chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế của các nước trong khu vực.
Có ý kiến của đại biểu cho rằng, hiệu quả kinh tế của dự án với tỷ lệ nội hoàn kinh tế cao (EIRR là 22,1%) do vậy, cần có biện pháp tăng cường thu hút nguồn vốn các thành phần ngoài nhà nước để giảm tỷ trọng vốn nhà nước đầu tư vào dự án, hạn chế tác động lớn đến vấn đề nợ công. Mặt khác, để không ảnh hưởng đến nợ công, đề nghị Chính phủ cho phép Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam vay thương mại trực tiếp để thực hiện Dự án.
Đầu tư vốn trong hoàn cảnh nợ công tăng nhanh
Về vốn đầu tư cho dự án, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, đây mới là vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả ba giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn (khoảng 18,7 tỷ USD). Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Ngoài ra, các dự án thuộc hệ thống hạ tầng kết nối với Cảng hàng không quốc tếLong Thành cần được tính toán, cân đối cùng với tổng vốn đầu tư cảng hàng không này.
Theo báo cáo, v iệc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Cân nhắc về phương án của dự án và làm rõ tính cấp thiết
Về sự cần thiết của dự án, đa phần các đại biểu Quốc hội tán thành phương án xây dựng mới Cảng hàng không Quốc tếLong Thành. Tuy nhiên, c ó ý kiến đại biểu cho rằng các số liệu về đầu tư cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa mới chỉ đưa ra ở mức tổng thể, thiếu các số liệu chi tiết chứng minh tính chính xác, hợp lý của các phương án này. Việc đưa phương án cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa vào so sánh nhưng lại nêu lý do sử dụng sân bay này với các mục đích quân sự và nhiễm độc dioxin… dẫn đến phương án này chỉ mang tính hình thức.
Có ý kiến của đại biểu đề nghị nên chọn phương án cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa đồng thời mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để hỗ trợ, phối hợp cùng khai thác có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không trong khoảng thời gian 10 năm tới, sau đó sẽ đầu tư xây dựng sân bay Long Thành để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ tính cấp thiết hay là tính cần thiết của việc đầu tư sân bay Long Thành, nếu chưa cấp thiết thì cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp. Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ các nội dung:
Nếu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ vì mục tiêu giải quyết năng lực vận tải chosân bay Tân Sơn Nhất và phát triển vận chuyển hàng không bình thường (không nhằm mục đích trung chuyển) thì hệ thống cảng hàng không hiện tại với bảy cảng hàng không quốc tế có thể đáp ứng nhu cầu.
Dự án cần đánh giá khả năng mở rộng và nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất mà không nhất thiết phải di dời nhiều hộ dân như dự án đã nêu, vì quy mô quy hoạch của cảng này là 1.500 ha, trong khi mới sử dụng 590 ha cho mục đích dân sự. Có thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên 1.000 hoặc 1.200 ha tương đương với các cảng hàng không trong khu vực.
Báo cáo đầu tư dự án chỉ thuyết minh phương án chọn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là địa điểm để xây dựng Cảng hàng không quốc tế trung chuyển mà không có nhiều phương án lựa chọn những địa điểm khác ở các vùng miền để có sự so sánh, lựa chọn. Đại biểu đề nghị cần làm rõ vị trí địa kinh tế cho phép xây dựng Cảng hàng không quốc tế trung chuyển tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; đánh giá tác động của dự án đối với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và những tác động khi sân bay Tân Sơn Nhất chuyển thành cảng hàng không nội địa.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()