Cần cân bằng ‘nội-ngoại’ cho tương lai ngành du lịch Việt Nam
Thời điểm này, không chỉ lao động du lịch, các doanh nghiệp trong ngành căng mình chờ ngày “mở cửa lại bầu trời” mà lãnh đạo ngành cũng buộc phải dịch chuyển tích cực vì một tương lai xanh.
Dịch bệnh COVID-19 bủa vây bốn bề trong khi mọi hoạt động du lịch yên ắng tựa bến vắng, hàng nghìn doanh nghiệp “nín thở” chờ đợi những quyết sách mới từ Chính phủ, chờ thời cơ phục hồi. Trong khi đó, các cơ quan quản lý cũng “căng như dây đàn” để lên kế hoạch cho chặng đường đầy thách thức và chông gai phía trước của nền kinh tế xanh.
“Bóng chim tăm cá” của ngành du lịch
Giữa bối cảnh ai ở đâu ở yên đó và thích nghi với hình thức làm việc trực tuyến liên tỉnh, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cuộc họp trực tuyến với 63 điểm cầu truyền hình trên cả nước để cùng bàn về chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn năm 2021-2025.
Trong số các nội dung được đem ra bàn thảo, vấn đề Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch một lần nữa nhận được quan tâm của những người làm nghề. Bởi, thực tế Chính phủ đã phê duyệt quỹ này từ cuối năm 2018 và được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển du lịch trong tương lai, nhưng đến nay vẫn như “bóng chim tăm cá.”
Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được coi là bước tiến góp phần giải quyết điểm nghẽn của du lịch Việt.
Bởi theo dự thảo, quỹ sẽ chi cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong ngành du lịch nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm với mức hỗ trợ từ 50%-100% kinh phí tùy quy mô, đối tượng.
Đặc biệt, dự thảo còn đề cập đến nội dung quan trọng nhất là nguồn kinh phí để vận hành quỹ. Theo đó, kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho Quỹ hàng năm bằng 10% tổng thu ngân sách từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài; 5% tổng thu ngân sách từ nguồn thu phí tham quan khu du lịch, điểm du lịch của năm trước liền kề.
Song cho đến bây giờ, Quỹ vẫn còn nhiều vướng mắc về bộ máy vận hành, cách thức tổ chức hoạt động, nguồn kinh phí… nên sau nhiều năm “đắp chiếu” vẫn chưa thể thực thi.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước (ước tính chỉ đạt 88.200 lượt người), do Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nên chưa mở cửa du lịch quốc tế; doanh thu từ du lịch lữ hành nội địa cũng giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước (chỉ đạt 4.500 tỷ đồng).
Chính tại thời điểm khó khăn này, nhu cầu về quỹ hỗ trợ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng nên tiếp tục quảng bá, xúc tiến, triển khai các hoạt động truyền thông nhằm duy trì sự quan tâm của du khách đối với Việt Nam, đặc biệt là khách quốc tế tại các thị trường trọng điểm.
Thực tế, từ trước năm 2019, Tổng cục Du lịch chi khoảng 2 triệu USD/năm để xúc tiến, quảng bá. Con số vừa quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực vừa gặp nhiều vướng mắc do cơ chế tài chính, khiến việc xây dựng và triển khai thiếu linh hoạt, chưa đáp ứng thực tế.
Quả thực, nếu Quỹ sớm được vận hành sẽ góp phần hỗ trợ ngành du lịch, nắm bắt cơ hội đón khách ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hồi sức cho nền kinh tế xanh.
Phải cân bằng “nội-ngoại”
Giữa bối cảnh “loạn vì COVID-19,” Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc xây dựng chương trình hành động lần này phải đưa ra những giải pháp khả thi và lộ trình phục hồi sau khi đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và đặc biệt cần phải cơ cấu, tính toán cân bằng lại thị trường du lịch.
Trên thực tế đã có thời gian dài ngành du lịch Việt Nam chỉ tập trung đón khách ngoại nhưng khi đại dịch COVID-19 xảy ra đã cho thấy thực tế thị trường nội địa với gần 100 triệu dân lại trở thành bệ đỡ, trụ cột của ngành “công nghiệp không khói.”
Lãnh đạo Bộ cho rằng sắp tới du lịch phải hướng tới thị trường cân bằng, bền vững giữa phát triển du lịch nội địa và đón khách quốc tế. “Bài toán” đặt ra sẽ không hướng trọng tâm vào tỷ lệ lượt khách mà tập trung tìm cách tăng khả năng chi tiêu của họ, tăng đóng góp của ngành du lịch vào nền kinh tế chung.
“Chương trình hành động cũng sẽ phải tính toán lại toàn bộ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa vào du lịch. Trách nhiệm của ngành du lịch là hình thành bộ dữ liệu đủ lớn, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ khai thác, liên kết… tạo ra sản phẩm số hóa trong ngành du lịch,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo yêu cầu của người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp, địa phương… phải luôn đổi mới sản phẩm. Sản phẩm du lịch là yếu tố quyết định chất lượng điểm đến du lịch nên kế hoạch phấn đấu mỗi tỉnh, thành phải có được một sản phẩm du lịch đặc sắc, từ đó sẽ tạo thành một mạng lưới, hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đặc sắc.
Có thể thấy, dù COVID-19 đã làm tan hoang cả nền kinh tế xanh thì ở một khía cạnh khác, dịch bệnh đã khiến tư duy của các cấp lãnh đạo nước nhà bắt đầu có sự dịch chuyển tích cực hơn. Chỉ mong những quyết sách của Chính phủ sẽ sớm được thực thi để ngành du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển./.
Ý kiến ()