Cần cái nhìn thấu đáo về mặt hàng đặc biệt
Khi thực hiện bài viết này, quả thực tôi không hề vui khi đứng trên quan điểm của người tiêu dùng, đúng là hóa đơn tiền điện tăng lên sau đợt tăng giá bán bình quân cuối tháng 3 năm 2019. Nhưng rõ ràng chúng ta cần khách quan, cần có cái nhìn thấu đáo, cần là người tiêu dùng thông minh trước các phát ngôn cũng như các thông tin thiếu căn cứ và định hướng truyền thông lệch lạc trong bối cảnh giá điện điều chỉnh tăng, mùa hè đến sớm kéo theo sự gia tăng đột biến của lượng cầu.
1. Giá thành và giá bán điện năng
Khi ngành điện tăng giá bán điện vào tháng 3 năm 2019, đã có ý kiến nói rằng giá điện nước ta còn thấp hơn giá của nhiều quốc gia đang phát triển. Đây là số liệu thực tế. Ngay lập tức một số chuyên gia đưa ra ý kiến, tại sao chúng ta so sánh giá điện mà không so sánh trong tương quan với thu nhập? Có lẽ ý kiến đó không sai lắm với những mặt hàng thiết yếu thông thường như lương thực thực phẩm, nhưng nó không đúng với sản phẩm như điện năng hay xăng dầu mà tính quốc tế từ lâu đã được thừa nhận. Tính quốc tế của ngành điện là những chuẩn mực, các chỉ tiêu chất lượng, hệ thống máy móc thiết bị, đường dây, trạm biến áp và các yếu tố đầu vào là than, là dầu mỏ, là khí đốt,… dẫn tới giá thành cung ứng điện không có sự sai khác nhiều giữa nước phát triển và nước đang phát triển và vì thế không nên so sánh và đặt trong mối tương quan giá điện/thu nhập giữa các quốc gia.
Với giá bán điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng, hầu hết các nước đều có sự kiểm soát của nhà nước. Dù xây dựng dựa trên phương pháp nào: Giá điện theo giá trị sử dụng, giá điện theo chi phí bình quân hay giá điện theo chi phí biên thì nền tảng vẫn sẽ là chi phí cung ứng. Việc điều tiết của nhà nước đối với giá điện nhằm đảm bảo lợi ích tổng thể của xã hội là lớn nhất mà nói đúng ra là để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trước người bán điện vốn dĩ là độc quyền tự nhiên. Do vậy những phát biểu cho rằng: “ Biểu giá điện hiện nay thì người hưởng lợi là ngành điện, người dân sẽ chịu thiệt” thực sự là không được công bằng cho lắm, không công bằng cho ngành điện và không công bằng cho ngay Chính phủ. Ngành điện không đưa ra giá bán của mình, ngành điện bán điện theo biểu giá được nhà nước quy định.
2. Hệ thống giá điện bán lẻ: Vì sao rất phức tạp?
Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, là hàng hóa mà cung phải bằng cầu ở mọi thời điểm để thấy công tác điều độ khó khăn như thế nào. Điện năng được cung ứng bởi các nhà máy điện khác nhau: Thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, nhiệt điện khí, điện nguyên tử, điện tái tạo… Vì vậy với nguyên tắc điều độ là đảm bảo an toàn về kỹ thuật và hiệu quả kinh tế cao nhất thì việc huy động các nhà máy điện đáp ứng lượng cầu ở các thời điểm khác nhau trong ngày là khác nhau và vì thế chi phí cung ứng ở các thời điểm của hệ thống là khác nhau. Về phía tiêu dùng cũng đa dạng và phức tạp không kém do tính chất tiêu dùng khác nhau: Hộ nghèo, tiêu dùng sinh hoạt, tiêu dùng công nghiệp, dân dụng, bơm nước tưới tiêu… Vì vậy hệ thống giá điện thường phải đa mục tiêu, vừa đảm bảo những khía cạnh an sinh xã hội lại vừa đảm bảo các nguyên tắc kinh tế cần thiết là giá điện phản ánh đúng hoặc gần nhất các chi phí mà người tiêu dùng gây ra cho hệ thống nên thật dễ hiểu là nó phức tạp.
Giá cao điểm và thấp điểm là rất khác nhau vì chi phí cung ứng giữa thấp điểm và cao điểm là khác nhau (phía sản xuất). Cùng 1 thao tác ấn nút chạy máy rửa bát hay máy giặt lúc 19h và lúc 21h30 thì chi phí gây ra cho hệ thống điện là khác rất khác nhau (phía người tiêu dùng). Hay biểu giá bán điện 2 thành phần, phần trả cho công suất đăng ký và phần trả cho điện năng tiêu dùng như cách tính cước viễn thông. Vì sao lại phải phức tạp như vậy? Hãy xem tình huống sau: Một người tiêu dùng điện dùng 24kwh/ngày với công suất đăng ký chỉ 1kw tức là dùng liên tục 24h và một người khác cũng dùng 24kwh/ngày với công suất 24kw tức là chỉ dùng 1h/ngày. Nếu như chỉ có giá bán điện 1 thành phần trả cho điện năng tiêu dùng thì hóa đơn tiền điện của 2 người tiêu dùng này như nhau nhưng rõ ràng là chi phí 2 hộ gây ra cho ra hệ thống điện rất rất khác nhau.
Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng sự phức tạp của hệ thống điện từ sản xuất đến tiêu dùng kéo theo sự phức tạp trong hệ thống giá bán điện mà bản chất chỉ để đảm bảo những nguyên tắc: Tính đúng, tính đủ các chi phí cung ứng điện đồng thời, đảm bảo các chính sách xã hội mà nhà nước mong muốn đạt được. Nó không đơn giản như các ý kiến không chỉ ra căn cứ mà nói rằng: Biểu giá 6 bậc thang là bất hợp lý.
3. Giá bán điện bậc thang: Vì sao dùng càng nhiều càng đắt?
Chúng tôi muốn đi sâu vào khía cạnh chuyên môn của một biểu giá điện có ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ tiêu vĩ mô CPI – chỉ số giá tiêu dùng, đó là biểu giá điện sinh hoạt bậc thang. Thực tế biểu giá này đã được áp dụng từ rất lâu nhưng chắc chắn chưa khi nào được truyền thông một cách đầy đủ để người tiêu dùng có những hiểu biết và từ đó hiệu ứng giá thực sự có hiệu quả trong mục tiêu sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng. Hoặc đơn giản hơn để trả lời các câu hỏi vì sao dùng càng nhiều lại càng đắt cũng như hóa đơn tiền điện tăng cao sau kỳ điều chỉnh giá?
Chúng ta có thể tham khảo khá nhiều hệ thống giá điện của các quốc gia từ Âu sang Nam Mỹ và gần nhất chúng ta là giá bán điện bậc thang của Thái Lan với cách tính còn phức tạp hơn nhiều so với 6 bậc của Việt Nam. Với biểu giá này, đặc trưng dùng càng nhiều càng đắt còn rõ ràng hơn nhiều so với biểu giá của Việt Nam. Như vậy để nói rằng mức độ ứng dụng của loại biểu giá này là rất lớn chứ không chỉ ở Việt Nam có giá điện bậc thang.
Không phải hiển nhiên mà biểu giá này được ứng dụng nhiều như vậy, đơn giản là vì đó là biểu giá thể hiện rõ rất mối quan hệ giữa cái giá mà người tiêu dùng phải trả với chi phí mà họ gây ra cho hệ thống điện. Trước hết về tính chất của phụ tải sinh hoạt: Đó là phụ tải khá đồng nhất ở điểm chỉ gia tăng vào các thời kỳ cao điểm. Nói cho dễ hiểu hơn vào 19 giờ tối thì hộ gia đình nào cũng nấu cơm, bật ti vi và đẩy phụ tải vào thời điểm này lên cao chúng ta gọi là thời kỳ cao điểm. Để đáp ứng được sự gia tăng phụ tải, hệ thống buộc phải huy động các nhà máy có chi phí cao hơn (xin nhắc lại nguyên tắc vận hành của hệ thống điện là đảm bảo về kỹ thuật và tối ưu về kinh tế nên thứ tự huy động sẽ là từ rẻ đến đắt). Do vậy phụ tải sinh hoạt càng tăng (dùng càng nhiều) thì càng phải huy động nhà máy có chi phí cao để đáp ứng (chi phí càng cao). Đó là logic của biểu giá sinh hoạt bậc thang: “Dùng càng nhiều càng đắt”. Không phải hiển nhiên loại biểu giá bậc thang chỉ áp dụng cho tiêu dùng sinh hoạt mà không áp dụng cho các hộ tiêu dùng điện khác.
4. Tăng giá điện: Hiểu sao cho đúng?
Trước hết, xin chưa bàn vội đến sự hợp lý hay bất hợp lý của 6 bậc trong biểu giá bán điện bậc thang hiện nay vì những cái nhìn cảm quan và thiếu căn cứ mà nói nó không hợp lý như một số ý kiến đăng trên báo gần đây sẽ là sự truyền thông lệch lạc nhiều hơn là hướng người tiêu dùng sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.
Xin nói về đợt tăng giá điện vừa qua: “Đó là điều chỉnh tăng mức giá bán BÌNH QUÂN thêm 8.36%”. Về nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân còn lại giao Bộ Công Thương xây dựng biểu giá điện đạt được 2 mục đích: Thứ nhất là đảm bảo chính sách an sinh xã hội (tạo điều kiện cho người nghèo); thứ 2 khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện. Điều đó có nghĩa rằng không có chuyện tất cả các hộ tiêu dùng điện sẽ có cùng mức tăng giá là 8.36%. Sẽ có biểu giá điều chỉnh nhiều và có biểu giá điều chỉnh ít.
Riêng đối với hộ tiêu dùng sinh hoạt, cơ cấu và số lượng bậc để tính giá không thay đổi so với lần điều chỉnh tháng 11/2017. Đặc biệt với mục đích thứ nhất là đảm bảo an sinh xã hội nên có 2 bậc đầu tiên, bậc 1 (từ 0-50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) mức giá vẫn được duy trì thấp. Sau đó logic dùng càng nhiều càng đắt đã thể hiện rất rõ các ở các bậc thang phía sau (tham khảo dữ liệu trong bảng). Như vậy để thấy rằng logic của biểu giá điện bậc thang không thay đổi so với biểu giá trước đây.
Nguồn: Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 và Quyết định 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 của Bộ công thương |
Với điều chỉnh như vậy chúng tôi xin làm phép tính hóa đơn tiền điện cho một hộ tiêu dùng 500kwh/ tháng như sau:
Hóa đơn theo biểu giá cũTcũ=1549×50 1600×50 1858×100 2340×100 2615×100 2701×100= 1.108.850đ
Hóa đơn theo biểu giá mới điều chỉnh 20/3/2019:
T mới= 1678×50 1734×50 2014×100 2536×100 2834×100 2927×100= 1.201.700đ
Như vậy để thấy rằng với cùng mức tiêu dùng là 500kwh/tháng thì mức tăng hóa đơn tiền điện chỉ ở mức 8.37% như những tính toán bằng con số cụ thể của chúng tôi ở trên. Chúng tôi không hiểu cách tính như thế nào để đưa ra những ý kiến như:
“ Giá điện tăng 8,36%: Không hề”
Thời gian qua, nhiều người dân tỏ bất ngờ khi cầm trong tay hoá đơn tiền điện. Theo đó, giá điện của nhiều hộ gia đình tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước”.
Hay:
“Giá điện không chỉ tăng lên 8,36% như ngành điện đã tuyên bố. Nhiều hộ sử dụng điện ghi nhận hoá đơn điện tăng lên 50-70% so với các tháng”.
Thực sự chúng tôi chỉ có thể giải thích rằng, người tiêu dùng khi cầm hóa đơn tiền điện của tháng trước khi điều chỉnh và tháng sau khi điều chỉnh thấy mình phải trả thêm nhiều tiền hơn rất nhiều nhưng họ không hiểu rằng sự gia tăng của hóa đơn phải trả phần lớn nằm ở việc tiêu dùng của họ tăng lên rất nhiều so với tháng trước đó do mùa hè đến sớm chứ không phải Chính phủ hay ngành điện thiếu minh bạch để hóa đơn tiền điện tăng nhiều hơn mức công bố 8.36%. Và nếu như nhìn vào sự điều chỉnh của toàn bộ hệ thống giá, biểu giá cao nhất điều chỉnh cũng chỉ là 10% thì xin khẳng định rằng nếu cơ cấu tiêu dùng điện giữ nguyên như các năm trước, hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng cũng điều chỉnh tăng tối đa 10%. Các dữ liệu biểu giá đã công khai và bất kể ai cũng có thể tự tính toán hóa đơn tiền điện cho mình.
5. Về sự hợp lý của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang
Nhiều người mang danh chuyên gia trước các thông tin rằng hóa đơn tiền điện của hộ sinh hoạt tăng thêm 50-70% đã ngay lập tức đăng đàn đưa ra những ý kiến rất “chuyên gia” rằng biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc thang là bất hợp lý.
Thực sự tôi cho rằng, bản thân ngành điện sẽ rất tôn trọng, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia thực sự hiểu một cách thấu đáo các đặc trưng kinh tế kỹ thuật rất đặc biệt của ngành điện để có các góc nhìn đa chiều, tích cực nhằm hoàn thiện hơn biểu giá bán lẻ điện hài hòa lợi ích cung ứng và tiêu dùng mang lại lợi ích tổng thể lớn nhất. Còn những ý kiến nhìn nhận chưa thực sự thấu đáo sẽ chỉ làm cho tính tích cực trong điều chỉnh giá không còn mà thay vào đó là sự nhiễu loạn về thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi người tiêu dùng. Phần cuối của bài viết này chúng tôi xin cùng trao đổi về ý kiến mà vị chuyên gia gọi là sự bất hợp lý của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện nay.
Trước hết, có lẽ chúng tôi không cần phải giải thích thêm vì với các tính toán cụ thể, định lượng ở trên việc tăng hóa đơn tiền điện không phải là do “ bất cập trong biểu giá điện sinh hoạt bậc thang”. Thật vậy, hóa đơn tiền điện tính cho cùng một sản lượng tiêu dùng ở 2 biểu giá chỉ khác nhau 8.37%. Vậy với số liệu thế này thì tại sao lại nói biểu giá điện bậc thang bị bất cập? Chúng tôi thì cho rằng với logic dùng càng nhiều giá càng cao, khi nắng nóng tiêu dùng điện tăng đột biến, hóa đơn tiền điện cao sẽ như một thông điệp cho người tiêu dùng rằng cần sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng.
Thứ hai, các ý kiến cho rằng : Biểu giá điện của Bộ Công Thương xây dựng hiện nay theo 6 bậc lại không hề hợp lý“. “ Ngành điện đã tính một mức giá có lợi cho mình. Người dân dùng càng nhiều điện thì càng phải nộp nhiều tiền”. Với biểu giá điện 6 bậc như hiện nay thì người hưởng lợi là ngành điện, người dân sẽ chịu thiệt”đưa ra không có bất cứ một căn cứ nào, có quá cảm tính? Liệu người đưa ra ý kiến có giải thích được vì sao 6 bậc lại không hợp lý? Không có ngành điện nào tính một mức giá có lợi cho mình, EVN bán điện theo giá nhà nước quy định. Người dân thuộc phụ tải sinh hoạt tiêu dùng điện và gia tăng phụ tải vào thời kỳ cao điểm thì dùng càng nhiều sẽ phải trả nhiều tiền hơn do chi phí họ gây ra cho hệ thống điện nhiều hơn do sự có mặt của họ vào thời kỳ cao điểm. Vì thế không có chuyện giá điện 6 bậc thì người hưởng lợi là ngành điện. Nếu ngành điện vốn dĩ có đặc trưng kinh tế theo quy mô để có cấu trúc độc quyền tự nhiên mà nhà nước can thiệp vào giá cả để ngành điện có lợi còn người dân chịu thiệt thì quả là những đánh giá có phần thiếu chính xác về vai trò của nhà nước trong quản lý ngành điện.
Cuối cùng, vẫn là ý kiến của vị chuyên gia: “ biểu giá điện cần được chia nhỏ nhiều bậc thêm nữa, không chỉ dừng lại ở 6 bậc như hiện nay. Người dân dùng bao nhiêu điện trong khoảng nào thì sẽ trả tiền bấy nhiêu”. Chúng tôi xin khẳng định phát biểu như vậy thực sự là hiểu chưa thấu đáo về ngành điện. Xin hãy hiểu rằng việc chia thành 3, 5 hay 6 bậc thang cần đứng trên quan điểm về sự biến động của chi phí biên trong cung ứng điện thay vì những ý kiến thêm nhiều bậc mà không có căn cứ. Do đó với ngành điện việc cần nghiên cứu ở đây là cơ cấu 6 bậc thang có còn phù hợp với cơ cấu chi phí cung ứng đối với phụ tải sinh hoạt hay không, đó mới là việc cần phải làm chứ không chạy theo những ý kiến thiếu căn cứ, hiểu chưa thấu đáo về ngành.
6. Thay cho lời kết
Ngay từ khi Chính phủ đưa ra phương án tăng giá điện chúng tôi cũng đã đồng thời đưa ra ý kiến rằng, công tác truyền thông của ngành điện cần đi song hành: Song hành để người tiêu dùng có đầy đủ các thông tin để từ đó hướng họ sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng, song hành để giảm bớt đi các ý kiến gây rối loạn hoặc định hướng truyền thông theo hướng tiêu cực. Điểm yếu cố hữu này của ngành điện cần sớm được khắc phục, điều đó chỉ tốt hơn cho hoạt động của ngành điện vì hiệu quả của ngành điện sẽ đến từ hai phía hiệu quả cung ứng và hiệu quả tiêu dùng.
Bên cạnh công tác truyền thông, một khía cạnh khác EVN cũng cần sớm cải thiện đó là công tác nghiên cứu phát triển. EVN cần có sự đầu tư nghiêm túc cho hoạt động này, mà từ khá lâu không còn được quan tâm một cách thỏa đáng. Biểu giá điện với 6 bậc thang có còn phù hợp với cơ cấu chi phí cung ứng hiện nay, câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng nó phải được trả lời dựa trên các kết quả nghiên cứu cụ thể. Trả lời thỏa đáng câu hỏi đó với đầy đủ căn cứ sẽ giảm bớt đi các ý kiến cho thấy chưa có cái hiểu thấu đáo về ngành./.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()