Cán bộ trong “Tháng ăn chơi”
LSO-Trong suy nghĩ của nhiều người, tháng Giêng là để du xuân, vui hội. Chính vì quan niệm đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (cán bộ) còn uể oải làm việc tại công sở, thay vào đó là tham gia các lễ hội xuân, đi lễ đền chùa, thăm hỏi bạn bè đến hết “Tháng ăn chơi”.
Hội xuân Bắc Nga thu hút đông người dân tham quan – Ảnh: minh họa |
Mặc dù không có số liệu chính xác số lượng cán bộ ở Lạng Sơn đi du xuân, trẩy hội, lễ chùa đầu năm bởi đến thời điểm hiện tại chưa có một cơ quan chức năng nào theo dõi, thống kê con số này. Nhưng nhìn vào thực tế không khí làm việc tại các cơ quan, công sở và tại các lê hội xuân, đền chùa thì không khó bắt gặp cảnh “chùa đông, công sở vắng”. Thực tế này càng diễn ra phổ biến đối với những vùng có nhiều lễ hội, đối với cán bộ cấp cơ sở… Đơn cử như vào ngày diễn ra lễ hội Chùa Bắc Nga (xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) năm nay rơi vào thứ sáu, ngày 14/2, chúng tôi được chứng kiến tại nhiều cơ quan, công sở của tỉnh, thành phố và những huyện lân cận tình trạng chưa hết giờ làm việc buổi sáng, cán bộ đã rục rịch rủ nhau nghỉ sớm đi trẩy hội. Cứ như thế, từng nhóm “công bộc của dân” kéo thành từng đoàn đi hội trong khi mới 9, 10 giờ sáng. Quan sát tại lễ hội, bắt gặp nhiều hình ảnh cán bộ có mặt ở đây khi đang trong giờ làm việc. Qua tìm hiểu được biết, một số cán bộ tranh thủ “cắt đầu, cắt đuôi” giờ làm việc buổi sáng, buổi chiều để đi hội. Không ít cán bộ còn nghỉ cả ngày chơi hội. Còn ở huyện Lộc Bình, một trong những nơi diễn ra nhiều lễ hội xuân, theo thống kê, trong tháng Giêng, trên địa bàn diễn ra 8 lễ hội xuân lớn nhỏ. Đến hẹn lại lên, không chỉ người dân mà một phận không nhỏ cán bộ tranh thủ thời gian đi hội. Đến các lễ hội này, họ gặp gỡ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, chúc tụng, ăn uống… Có nhiều trường hợp cán bộ do mải vui hội, lễ bái, uống rượu say không thể quay lại nhiệm sở làm việc.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 15/2/2014, Chủ tịch UBND tỉnh – Vy Văn Thành có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố chấp hành nghiêm túc việc không sử dụng giờ hành chính và xe công đi lễ hội, trừ các trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách được phân công. Văn bản chỉ đạo là vậy song trên thực tế, một bộ phận cán bộ vẫn đi hội, lễ bái trong giờ hành chính. Thậm chí, sau tết, nhiều cơ quan, công sở còn tổ chức thành các đoàn đi hành hương, du lịch đầu xuân dài ngày. Theo đó nhiều đơn vị nghỉ từ ngày thứ sáu để kéo dài thời gian cho chuyến du xuân. Lý giải về hiện tượng này, nhiều “công bộc” cho rằng do đầu năm chưa có công việc cụ thể, “sếp” cũng không quản lý khắt khe, số lượng công việc ít nên đến cơ quan cũng không sử dụng hết giờ làm việc. Trước tình trạng trên có thể dễ dàng ước tính sự lãng phí thời gian làm việc của cán bộ nhà nước cho những hoạt động vui xuân là không ít. Hiện tại, Lạng Sơn có trên 22.000 cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở các cơ quan nhà nước. Chỉ cần một phận nhỏ cán bộ trong số đó cắt bớt thời gian làm việc hành chính vào thời điểm đầu năm thì số giờ làm việc của nhà nước lãng phí là rất lớn.
Ông Phạm Tuấn Tú – Trưởng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Lạng Sơn cho biết: nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cán bộ, công chức không tập chung cho công việc và đánh cắp thời gian hành chính tham gia nhiều hoạt động du xuân đầu năm là do trong thời gian nghỉ tết, cán bộ quen được ngủ, nghỉ, vui xuân, chưa bắt nhịp được ngay với môi trường công việc. Hơn nữa, đầu năm diễn ra hàng loạt lễ hội xuân nên khi đi làm trở lại, nhiều cán bộ cảm thấy uể oải, làm việc không hiệu quả. Vì thế mới có hiện tượng bất bình thường đang dần trở nên bình thường là cán bộ đánh cắp thời gian làm việc, đủng đỉnh đi lễ này, lễ nọ hoặc làm những công việc khác trong tháng Giêng. Theo ông Tú, để khắc phục tình trạng này, các cấp chính quyền cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên và quy định về thời gian làm việc của cán bộ, nhất là chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị số 21-CT/TU (17/10/2007) của Ban thường vụ Tỉnh ủy về “Đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng công tác trong cơ quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang các cấp trong tỉnh”. Kết hợp với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật công vụ, đảm bảo giờ làm việc, các giao dịch hành chính của nhân dân; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đi lễ hội, du xuân vào giờ hành chính; giao nhiệm vụ cụ thể và theo dõi quá trình thực hiện, tránh để cán bộ rơi vào tâm lý chểnh mảng, lười biếng. Để đem lại hiệu quả thì quan trọng nhất là người đứng đầu các cơ quan, công sở phải gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trên.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()