Cán bộ tổ chức hội tận tâm với tín dụng chính sách
– Những năm qua, chị Hoàng Thị Ánh, sinh năm 1980, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực triển khai, thực hiện hiệu quả hoạt động uỷ thác và quản lý tốt vốn tín dụng chính sách với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Năm 2020, chị Hoàng Thị Ánh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã. Xác định nguồn vốn vay ưu đãi có vai trò quan trọng, hỗ trợ hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu, với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Ánh đã chủ động nắm bắt kịp thời hoàn cảnh của từng gia đình, nhu cầu của từng hội viên để tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ.
Chị Hoàng Thị Ánh (bên phải) tuyên truyền đến hội viên về chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ
Chị Ánh chia sẻ: Để trang bị kiến thức, nâng cao trình độ, hiểu biết cho bản thân, hằng năm, tôi đều tích cực tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn do NHCSXH, hội cấp trên tổ chức, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức, tham gia các mô hình dự án điểm, các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp… Đồng thời, nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu các nội dung, các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, đối tượng áp dụng, quy trình thực hiện vay vốn của các chương trình.
Từ đó, chị Ánh đã tư vấn, hỗ trợ hội viên làm hồ sơ vay vốn, lựa chọn những mô hình sản xuất phù hợp như: trồng rừng (hồi, keo), chăn nuôi trâu, bò…, đặc biệt là hướng dẫn hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn vay góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, chị Ánh thường xuyên tham dự sinh hoạt tại các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) để chỉ đạo thực hiện tốt công tác bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ và giải đáp kịp thời những thắc mắc của người dân, giải quyết những vướng mắc tại các tổ.
Chị Hà Thị Lan, thôn Cốc Lào cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất, năm 2018, được cán bộ tổ TK&VV và chị Ánh hướng dẫn, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để trồng 4 ha rừng keo, chăn nuôi bò. Trong quá trình sử dụng vốn, bên cạnh tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tôi thường xuyên được chị Ánh hướng dẫn đầu tư nguồn vốn phù hợp, hiệu quả. Nhờ đó, diện tích rừng của gia đình đã cho khai thác, năm 2021, gia đình tôi thoát nghèo, thu nhập từ rừng và chăn nuôi bò đem lại khoảng 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, hằng tháng, chị đều trực tiếp đến từng hộ để kiểm tra việc sử dụng vốn vay. Từ đó, nhắc nhở kịp thời những hộ chậm triển khai đầu tư vốn vào sản xuất, hướng dẫn hộ vay cách thức sản xuất hiệu quả, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sử dụng vốn vay để tìm ra biện pháp tháo gỡ kịp thời…
Với những cố gắng đó, hiện nay, Hội LHPN xã Hội Hoan quản lý 10 tổ TK&VV tại 10 thôn, bản với dư nợ 20,5 tỷ đồng (là tổ chức hội quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất trong toàn huyện), với 533 hộ vay. Các tổ TK&VV do Hội LHPN xã quản lý luôn được xếp loại tốt hằng tháng; các hộ vay có ý thức trả nợ, lãi đúng kỳ hạn, không có nợ quá hạn.
Với sự tận tâm của mình, những năm qua, chị Ánh đã giúp đỡ nhiều gia đình hội viên vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi. Trung bình mỗi năm, chị giúp 5 chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở thành hộ khá giả của xã. Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 phụ nữ nghèo làm chủ hộ; 350 hộ hội viên phụ nữ khá giả.
“Với sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác, chị Hoàng Thị Ánh là tấm gương điển hình có nhiều đóng góp trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Những năm qua, chị đã được các cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng vì có thành tích tiêu biểu trong công tác và hoạt động tín dụng ở địa phương. Năm 2022, chị Ánh vinh dự được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen; Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh khen thưởng vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”. |
Ý kiến ()