Cán bộ lãnh đạo phải sâu sát, quyết đoán
(LSO) – Đó là một trong những yêu cầu trong phong cách lãnh đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc tới. Hơn 12 năm đảm đương trọng trách “tư lệnh” ngành nông nghiệp của tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Thanh Nhàn luôn lấy lời dạy đó làm kim chỉ nam.
Vụ mùa năm 2012, nhận được thông tin xuất hiện châu chấu với mật độ cao tại các xã: Tân Liên, Gia Cát (huyện Cao Lộc), giám đốc Lê Thị Thanh Nhàn lập tức hoãn chuyến công tác đã định sẵn, đích thân thị sát, kiểm tra.
Khi kiểm tra thực tế, châu chấu đã ăn gần hết lá của những rặng tre, một số đã sà xuống ruộng lúa, vào cả những bãi ngô. Nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn và khi bùng phát dịch thì không chỉ Tân Liên, Gia Cát mà những khu vực lân cận cũng chịu ảnh hưởng.
Sau khi thị sát, người đứng đầu ngành nông nghiệp quyết định, tập trung nhân lực, khoanh vùng phòng trừ, các biện pháp phải được triển khai khẩn cấp như chống dịch. Kinh nghiệm phòng trừ châu chấu ở Tân Liên, Gia Cát thời điểm ấy được các huyện: Bắc Sơn và Bình Gia áp dụng ngay. Năm ấy, Lạng Sơn chặn đứng nguy cơ châu chấu phá hại mùa màng.
Cuối năm 2014, xã biên giới Tam Gia (huyện Lộc Bình) xuất hiện ổ dịch lở mồm long móng trên đàn bò. Công tác chữa trị, phòng ổ dịch lây lan gặp nhiều khó khăn bởi thời tiết bất thuận, mưa phùn, gió bấc; người dân, đặc biệt là một số trưởng thôn chưa hợp tác.
Mặc cho mắt cá chân đang sưng vù vì đau khớp, giám đốc Lê Thị Thanh Nhàn trực tiếp đến Tam Gia, gặp từng trưởng thôn tìm hiểu căn nguyên. Những khúc mắc nhanh chóng được giải quyết; ổ dịch lở mồm long móng ở Tam Gia được khống chế, dập tắt nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Thanh Nhàn kiểm tra công tác chống dịch lở mồm long móng tại xã Tam Gia, huyện Lộc Bình (12/2014)
Cũng có những ý kiến cho rằng đấy là những việc nhỏ, cần gì đích thân trưởng ngành đến tận nơi; giám đốc lo việc khác, tham mưu cho tỉnh những chủ trương, chính sách tầm vĩ mô… Giám đốc Lê Thị Thanh Nhàn chỉ cười: Không đi tận nơi, xem tận chỗ để từ đó chỉ đạo kịp thời thì những việc nhỏ ấy sẽ hóa lớn. Sản xuất thiệt hại tác động ngay đến đời sống của bà con, ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội của tỉnh. Rồi không từ những việc nhỏ tưởng như sự vụ ấy, sao thấu hiểu người dân, biết người dân cần gì để mà tham mưu đúng, trúng cho tỉnh ban hành những chương trình lớn.
Bác dạy: Phong cách lãnh đạo là phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biết được những băn khoăn, trăn trở của dân để kịp tháo gỡ cùng dân. Người khẳng định: Nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.
Trong suốt thời gian đảm đương trọng trách “tư lệnh” ngành nông nghiệp, giám đốc Lê Thị Thanh Nhàn luôn lấy lời dạy đó làm kim chỉ nam. Sâu sát, nhưng cũng bao quát các lĩnh vực rộng lớn mà ngành quản lý, để từ đó cùng tập thể ban giám đốc, phối hợp cùng các ngành khác tham mưu cho tỉnh nhiều chương trình lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như: tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng nông thôn mới; hình thành vùng sản xuất tập trung; nâng cao giá trị và xúc tiến tiêu thụ nông sản…
Những chương trình, chính sách ấy đã có những tác động lớn, trong vòng 10 năm trở lại đây, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5 lần; toàn tỉnh có 36 xã nông thôn mới và phấn đấu hết năm 2018 có thêm 12 xã đạt chuẩn; đời sống của người dân không ngừng được nâng cao với mức thu nhập tăng gần 3 lần…
Những ngày cuối cùng ở nhiệm sở trước khi nghỉ hưu theo chế độ (từ ngày 1/9/2018), người đứng đầu ngành nông nghiệp vẫn tất bật với công việc, từ việc khâu nối doanh nghiệp cho vùng na, chuẩn bị nội dung cho cuộc họp UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp về lĩnh vực lâm nghiệp… ; vẫn những đau đáu làm thể nào để sản xuất phát triển hơn, hiệu quả hơn; để đời sống người nông dân tiến xa hơn nữa; để nông thôn Xứ Lạng tiến kịp miền xuôi.
Gần 10 năm là phóng viên tuyên truyền về nông nghiệp, tôi may mắn được tham gia nhiều chuyến công tác cùng giám đốc Lê Thị Thanh Nhàn. Sâu sát, quyết đoán trong công việc là thế, nhưng giám đốc cũng rất yêu thích văn thơ. Sau những chuyến điền dã mệt nhọc, tôi lại nghe giám đốc phân tích vài câu thơ Tố Hữu; kể vài câu chuyện sưu tầm về Bác… Những câu chuyện ấy khiến cả đoàn công tác dường như quên những nhọc nhằn, thêm quyết tâm, góp sức tạo sự “bứt tốc” nhanh, mạnh hơn nữa của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Xứ Lạng.
Ý kiến ()