Cần bỏ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 trong xét tốt nghiệp năm 2017
Dự thảo của Bộ GD&ĐT về kỳ thi tốt nghiệp quốc gia năm 2007, thí sinh sẽ thi 6 môn trong 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn bài thi Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân); thay vì 4 bài thi của 4 môn ở kỳ thi “ 2 trong 1” trong các năm trước đây ; mục đích là để hạn chế học lệch, học tủ và kỳ thi đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Mục đích là như vậy, nhưng thực trạng ở trường phổ thông cho thấy quan niệm của học sinh: “Học để thi, có thi mới học” vẫn còn tồn tại, thì việc học lệch, việc đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh sẽ còn là vấn đề nan giải của ngành giáo dục?.
Từ khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với 4 môn thi (3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn) để kỳ thi nhẹ nhàng, không gây áp lực; thì đa số học sinh, từ lớp 10 đã chọn để học chính khoá và học thêm 3 môn bắt buộc, từ 1 – 2 môn vừa để thi, vừa xét tuyển Đại học; các môn còn lại ( 8- 9 môn / 13 môn học), chỉ học ở mức độ để điểm trung bình cuối năm ( từ 2,0 trở lên) đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Có thể thấy học sinh đã học lệch, ngay từ khi vào lớp đầu cấp; học như thế để các môn xét tuyển Đại học có được điểm cao hơn.
Học sinh học lệch như thế; nhưng vì sao vẫn đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp và dễ dàng đỗ tốt nghiệp? Bởi thầy- cô dạy lớp 12 ở các trường phổ thông không nở để học trò cuối năm không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp, dù biết rõ học sinh không học các môn không chọn để thi; mặt khác đầu năm học thầy- cô nào cũng đăng ký thi đua nên không thể để bộ môn của mình có học sinh bị xếp loại kém; không những thế có thầy- cô không có lòng tự trọng, do dạy thêm hoặc được gửi gắm còn nâng điểm kiểm tra để học sinh đủ điều kiện thi, nâng điểm điểm trung bình môn từ 7,0 trở lên để điểm thi 4 môn trung bình từ 3,0 trở lên là đỗ tốt nghiệp.
Ở trường phổ thông loại hình kiểm tra giáo viên dễ dàng nâng điểm; do quản lý chuyên môn kém, dù biết nhưng ngành giáo dục chưa có biện pháp để thay đổi.
Đó là cách tổ chức kiểm tra thường xuyên (miệng, kiểm tra 15 phút) ở tất cả các môn học và kiểm tra định kỳ (1 tiết, học kỳ) các môn Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục quốc phòng( điểm trung bình môn cả năm lớp 12 có các loại điểm kiểm tra này), không có gì thay đổi sau nhiều năm áp dụng Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT.
Điểm kiểm tra loại hình này tổ chức trong tiết học: Giáo viên dạy ra đề, coi kiểm tra và chấm bài kiểm tra; việc tổ chức kiểm tra theo cách này, nếu giáo viên không công tâm; thì rõ ràng không thể đảm bảo độ tin cậy, không thể đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh khi xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào Đại học; là điều mà Bộ GD&ĐT cần có sự thay đổi phù hợp hơn.
Dù có nhiều ý kiến của thầy- cô giáo và cán bộ quản lý các trường phổ thông về điều bất hợp lý này.
Nhưng, dự thảo của Bộ GD&ĐT về kỳ thi tốt nghiệp quốc gia năm 2007 vẫn quy định: “ Xét công nhận tốt nghiệp THPT:Theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 và quy định các trường Đại học có thể xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở ở bậc trung học phổ thông( lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT) ”
Từ thực trạng trên đây, để thực hiện: “ Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”( Nghị quyết 29-NQ/TW) , trong điều kiện chưa sửa đổi cách tính điểm trung bình môn trong Thông tư 58; thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần thay đổi phương thức tính điểm xét tốt nghiệp: Bỏ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 như trong dự thảo ( chiếm 50% số điểm xét tốt nghiệp ), chỉ lấy điểm của 4 bài thi làm điểm xét tốt nghiệp.
Điểm trung bình môn năm lớp 12 dùng làm điều kiện xét học sinh dự thi tốt nghiệp( có thể nâng lên mức độ xếp loại học lực từ trung bình trở lên thay vì từ loại yếu trở lên như hiện nay); bởi xét học sinh dự thi cũng là hình thức:
“Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”, theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ ghi nhận và khi thực hiện điều này, nhất định học lệch sẽ chấm dứt, kết quả xét tốt nghiệp được công bằng; học sinh tốt nghiệp THPT xứng đáng hơn; các trường Đại học xét tuyển qua học bạ có chất lượng cao hơn. Mặt khác học sinh được trang bị kiến thức toàn diện để vào đời hoặc học tiếp tục học nghề, học Cao đẳng- Đại học, đồng thời hạn chế được tiêu cực trong dạy thêm- học thêm.
Ý kiến ()