“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”
LSO-Với quan niệm báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu, Bác Hồ đã chỉ rõ rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ… Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của báo chí cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trực tiếp viết báo, dùng báo chí làm diễn đàn tố cáo và tấn công địch, tuyên truyền cho cách mạng mà còn tự tổ chức ra những tờ báo cách mạng, tiêu biểu là ngày 21/6/1925, Người đã sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản Báo Thanh Niên, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh tham quan trưng bày các sản phẩm về du lịch tại hội thảo báo Đảng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc tổ chức tại Lạng Sơn (tháng 3/2017) – Ảnh: TL |
Hòa chung với nền báo chí của cả nước, thời gian qua, các cơ quan báo chí của tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phổ biến, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến nhằm cổ vũ các phong trào quần chúng trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình Lạng Sơn và Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng là 3 cơ quan báo chí chủ yếu của tỉnh. Đến nay, cả 3 cơ quan này đều đã xây dựng được đội ngũ làm báo ngày càng chuyên nghiệp và có mạng lưới cộng tác viên đủ sức đảm bảo hoạt động báo chí ở địa phương.
Ngoài các cơ quan báo chí của tỉnh, trên địa bàn còn có Phân xã Lạng Sơn của Thông tấn xã Việt Nam, phóng viên thường trú Báo Nhân Dân, Báo Tiền Phong, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí khác… đã góp phần thông tin, phản ánh và đưa tiếng nói của tỉnh lên các diễn đàn báo chí trong và ngoài nước. Bên cạnh các cơ quan báo in, báo nói, báo hình, tỉnh còn có Công ty truyền hình cáp, Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và Cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, cùng nhiều bản tin chuyên ngành xuất bản định kỳ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể… Tất cả đã góp phần làm cho hoạt động thông tin thêm phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.
Báo chí ngày nay không chỉ là công cụ truyền thông của các cơ quan lãnh đạo mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong đời sống xã hội; là bạn đồng hành cùng các doanh nhân, các nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân. Báo chí còn là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Những người làm báo tự hào về điều đó, vị thế nghề nghiệp ngày càng được nâng cao, ngày càng được xã hội trọng thị. Chính vì vậy mà Đảng, Nhà nước và xã hội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong giai đoạn hiện nay.
Các cơ quan báo chí tỉnh Lạng Sơn luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, thông tin kịp thời, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Hệ thống thông tin tỉnh ta trong thời gian trước mắt là tiếp tục tuyên truyền, triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2017. Phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phản ánh điển hình mới xuất hiện trong các phong trào lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương, đơn vị. Từ các đồng chí trong ban biên tập đến mỗi phóng viên nhận thức về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Có nhận thức được như vậy mới giúp cho người cầm bút “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, mới tạo nên những bài báo có giá trị, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Bác Hồ đã dạy: “Viết cho ai? Viết như thế nào? Viết cái gì? Ở đây Bác không chỉ truyền đạt những nguyên tắc, kinh nghiệm mà chính xác là định hướng đi cho một nhà báo cách mạng chân chính.
Sinh thời, nhà báo Hữu Thọ đã nói: “Nghề báo là nghề cao cả dù không có danh hiệu ưu tú hay nhân dân nhưng chỉ cần một cái tin nhỏ trên báo cũng được ghi danh mình, trong khi đó một kiến trúc sư thiết kế cả tòa nhà đồ sộ cũng không thể viết tên mình lên đó được. Những điều đó lại càng thấy trách nhiệm của báo chí”. Bởi vậy, yêu nghề, có lương tâm và trách nhiệm là tiêu chuẩn số một về đạo đức của người làm báo. Báo chí Lạng Sơn phát huy thành tích đã đạt được, không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của người làm báo, xứng đáng là người “chiến sĩ cách mạng”; là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của Tỉnh ủy, UBND và là diễn đàn của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
MAI TÙNG
Ý kiến ()