"Căn bệnh" thất nghiệp trầm trọng ở Mỹ
Chính quyền Mỹ đặt mục tiêu giảm tình trạng thất nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2010, theo đó đã "rót" hàng trăm tỷ USD để tạo việc làm mới và trợ cấp người thất nghiệp. Nhưng, tỷ lệ người mất việc làm không những không giảm mà đang tăng dần sát ngưỡng hai con số.Bộ Lao động Mỹ ngày 3-12 công bố báo cáo cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tính đến tháng 11 đã tăng trở lại mức 9,8%, mức cao nhất trong 26 năm qua. Cụ thể, hiện có hơn 15 triệu người lao động Mỹ đang không có việc làm, trong đó 6,3 triệu người đã thất nghiệp từ sáu tháng trở lên. Con số này cao hơn mức dự báo 9,3% của chính quyền. Căn bệnh thất nghiệp diễn ra trầm trọng tại 24 tiểu bang, nhất là các tiểu bang Mi-si-gơn (14,1%), Nê-va-đa (13,4%), Ca-li-pho-ni-a và Phlo-ri-đa (hơn 12%).Tiếp quản chính quyền từ Đảng Cộng hòa đầu năm 2009, Đảng Dân chủ 'thừa hưởng' những khó khăn kinh tế và tình trạng thất nghiệp tồi tệ. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế bùng...
Chính quyền Mỹ đặt mục tiêu giảm tình trạng thất nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2010, theo đó đã “rót” hàng trăm tỷ USD để tạo việc làm mới và trợ cấp người thất nghiệp. Nhưng, tỷ lệ người mất việc làm không những không giảm mà đang tăng dần sát ngưỡng hai con số.
Bộ Lao động Mỹ ngày 3-12 công bố báo cáo cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tính đến tháng 11 đã tăng trở lại mức 9,8%, mức cao nhất trong 26 năm qua. Cụ thể, hiện có hơn 15 triệu người lao động Mỹ đang không có việc làm, trong đó 6,3 triệu người đã thất nghiệp từ sáu tháng trở lên. Con số này cao hơn mức dự báo 9,3% của chính quyền. Căn bệnh thất nghiệp diễn ra trầm trọng tại 24 tiểu bang, nhất là các tiểu bang Mi-si-gơn (14,1%), Nê-va-đa (13,4%), Ca-li-pho-ni-a và Phlo-ri-đa (hơn 12%).
Tiếp quản chính quyền từ Đảng Cộng hòa đầu năm 2009, Đảng Dân chủ 'thừa hưởng' những khó khăn kinh tế và tình trạng thất nghiệp tồi tệ. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế bùng phát tại Mỹ từ tháng 12-2007 đã làm mất 8,4 triệu việc làm. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma trong Thông điệp liên bang năm 2010 đặt trọng tâm vào vấn đề kinh tế, trong đó giảm thất nghiệp, bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ và giảm thâm hụt ngân sách là những ưu tiên hàng đầu của ông trong năm thứ hai của nhiệm kỳ. Ông cho rằng, 'cơn bão tồi tệ nhất đã qua', nhưng hậu quả của cuộc khủng hoảng vẫn còn nặng nề. Nước Mỹ đang vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và ngân sách liên bang thâm hụt kỷ lục. Tổng thống Ô-ba-ma thừa nhận, những mối quan tâm nhất của cử tri Mỹ hiện nay, như việc làm, giá nhiên liệu tăng và tiết kiệm. Ông cam kết sẽ tạo ra hai triệu việc làm mới trong thời gian năm năm tới.
Quốc hội Mỹ đã chuẩn chi gói cứu trợ trị giá 825 tỷ USD do chính phủ đề xuất để kích thích kinh tế tăng trưởng và tạo thêm công ăn việc làm. Hồi đầu tháng 3, Quốc hội Mỹ đã thông qua biện pháp cả gói trị giá 149 tỷ USD cho các mục tiêu hỗ trợ thất nghiệp và giảm thuế, trong đó, khoảng 98,5 tỷ USD dự kiến sẽ được dùng để hỗ trợ chính quyền các bang tránh sự sụt giảm nhân công trong các lĩnh vực cộng đồng, giáo viên và nhân viên cảnh sát. Hồi tháng 7, Quốc hội tiếp tục thông qua dự luật gia hạn chương trình trợ cấp thất nghiệp đối với những người thất nghiệp trong thời gian dài tới tháng 11, theo đó dành một khoản ngân sách 34 tỷ USD cho việc kéo dài thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cục Dự trữ liên bang (FED) mới đây quyết định 'bơm' thêm 600 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục nhanh.
Tuy nhiên, Chủ tịch FED Ben Bơ-nan-ki cảnh báo, tình trạng thất nghiệp cao hiện nay có thể tồn tại dai dẳng và sẽ có tác động 'rất lâu dài' đối với nền kinh tế Mỹ. Thất nghiệp là vấn đề kinh tế và xã hội quan trọng nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt trong khi nền kinh tế Mỹ không tăng trưởng đủ mạnh để tiếp tục duy trì lực lượng tham gia lao động hiện nay. Đây là điều 'rất khác thường và rất đáng lo ngại'. Ông nêu rõ, thất nghiệp kéo dài có thể khiến người lao động bị tách khỏi lực lượng lao động, kỹ năng và tay nghề bị xói mòn qua thời gian và các công ty sẽ thêm nghi ngờ về khả năng làm việc của những người thất nghiệp. Ông cho rằng, phải mất từ 4 đến 5 năm nữa, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ mới có thể trở lại mức 'bình thường', khoảng từ 5 đến 6%.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng và nỗi lo ngay ngáy bị sa thải bất kỳ lúc nào đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin người tiêu dùng Mỹ. Họ bất bình. Họ buộc phải cắt giảm chi tiêu, vốn đóng góp tới hai phần ba vào hoạt động kinh tế trong nước. Tăng trưởng kinh tế và việc làm liên quan và tác động lẫn nhau. Bài thuốc giải cho căn bệnh thất nghiệp liên quan tăng trưởng kinh tế. Hỗ trợ tài chính xem ra chỉ là liệu pháp 'cấp cứu' ban đầu. Thực tế chứng minh rằng, với những gói cứu trợ khổng lồ mà số người mất việc làm vẫn gia tăng. Nhiều ngành kinh tế Mỹ vẫn chưa có nhu cầu tuyển thêm lao động mới. Trong lúc này, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang phải đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách liên bang lên tới 1,34 nghìn tỷ USD trong tài khóa 2010 (kết thúc ngày 30-9), tương đương 9,1% GDP của Mỹ và là mức thâm hụt lớn thứ hai của Mỹ trong vòng 65 năm qua. Thâm hụt thương mại của nước này tăng cao hơn nhiều so với mức dự đoán của giới phân tích kinh tế.
Những kết quả yếu kém về kinh tế của Chính phủ đảng Dân chủ cầm quyền đã góp phần làm giảm tín nhiệm của đảng Dân chủ mà hậu quả rõ nhất là đảng của Tổng thống B.Ô-ba-ma phải chia quyền với đảng Cộng hòa đối lập trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ và thống đốc các tiểu bang hồi tháng 11 vừa qua.
Theo Nhandan
Ý kiến ()