Cần bảo vệ thương hiệu quýt Bắc Sơn
LSO-Theo phản ánh của một số người dân, tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, vụ quýt năm nay có nhiều tiểu thương, thậm chí cả những hộ trồng quýt trên địa bàn vì hám lợi đã mua quýt từ những nơi khác với giá rẻ, sau đó giả quýt Bắc Sơn để bán với giá cao. Điều này vô hình chung, chính người dân Bắc Sơn đang tự đánh mất thương hiệu quýt của mình.
Bày bán quýt trên Quốc lộ 1B, thuộc xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn |
Cuối tháng 11/2016 khi quýt vào chính vụ, chúng tôi đến xã Chiến Thắng – một trong những vùng quýt lớn nhất của huyện Bắc Sơn. Qua trao đổi với chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Hồng Phong 4, một tiểu thương chuyên buôn quýt trên địa bàn, được biết chị Huyền thường mua quýt theo vườn, sau đó thu hoạch quả để bán buôn. Việc một số tiểu thương trên địa bàn trộn lẫn quýt nơi khác với quýt Bắc Sơn để kiếm lời đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của những người như chị.
Chị Huyền bức xúc chia sẻ: Nhiều người dân đã chọn mua quýt ở nơi khác với giá rẻ có hình thức, mẫu mã đẹp, nhưng chất lượng thì không bằng quýt Bắc Sơn. Sau đó giả thương hiệu quýt Bắc Sơn và bán với giá cao. Như thời gian gần đây, quýt Bắc Kạn thường được mua để pha trộn, vì giá chỉ có 8 – 9 nghìn đồng/kg, trong khi đó, quýt Bắc Sơn mua tại vườn đã 12 – 13 nghìn đồng/kg. Nhiều khách hàng mua về ăn đã phát hiện và có khách hàng quen tại thành phố Lạng Sơn phản ảnh lại với chị, bởi chất lượng quýt Bắc Sơn rất đặc trưng.
Không chỉ trộn lẫn để bán buôn, bán lẻ đi nơi khác mà bà con còn bày bán ngay dọc quốc lộ 1B đoạn qua xã Chiến Thắng và trên địa bàn thị trấn Bắc Sơn. Nếu thấy khách hàng là người nơi khác đến các tiểu thương sẽ chào mua quýt Bắc Sơn “nhái” có quả to, tròn đều rất bắt mắt. Khi khách hàng yêu cầu ăn thử tiểu thương sẽ bóc quýt Bắc Sơn “xịn” cho dùng.
Để rõ thực hư, chúng tôi đã đến khu vực bà con thường bán quýt bên quốc lộ 1B thuộc xã Chiến Thắng. Thấy chúng tôi, một bác bán hàng đã có tuổi mời chúng tôi mua quýt và chỉ vào rổ quýt rất đẹp, đều với giá 30 nghìn đồng/kg. Khi thấy ông Hoàng Quang Phiệt, Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng đi cùng chúng tôi thì bác bán hàng không mời mua quýt bày ở rổ nữa mà lấy một bao quýt khác ra chào và khẳng định quýt Bắc Sơn chính hiệu. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn mua 1 kg quýt được mời lúc ban đầu để dùng thử.
Bóc túi quýt mới mua, ông Hoàng Quang Phiệt chỉ cho chúng tôi thấy rõ sự khác biệt về chất lượng giữa quýt “nhái’ và quýt Bắc Sơn. Ông Phiệt cho biết: Xã cũng đã nắm được tình trạng tiểu thương mua quýt nơi khác để giả quýt Bắc Sơn bán kiếm lời. Tuy nhiên, việc cấm người dân kinh doanh là rất khó, bởi không thể theo dõi việc nhân dân mua quýt nơi khác được. Tới đây, xã sẽ yêu cầu cán bộ xã và các trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn tổ chức tuyên truyền, vận động người thân, họ hàng và bà con trên địa bàn không nên kinh doanh như thế. Phân tích cái được và mất trong việc bán quýt “nhái” để bà con hiểu.
Về vấn đề này, ông Vi Đình Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện tại phòng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với thương hiệu quýt Bắc Sơn để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi đã được công nhận, phòng sẽ căn cứ theo quy định để xử lý dứt điểm tình trạng tiểu thương buôn bán, kinh doanh quýt Bắc Sơn nhái.
Hiện tại, xã Chiến Thắng có trên 60 ha với khoảng 10.000 cây quýt đang cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 700 tấn, ước giá trị sản phẩm thu được khoảng 11 tỷ đồng/vụ. Quýt đang là cây mũi nhọn giúp nhiều hộ dân khá giả. Với lợi ích kinh tế như vậy, việc người dân gìn giữ, phát triển thương hiệu quýt Bắc Sơn là rất quan trọng. Mong rằng tới đây, quýt Bắc Sơn sẽ xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể, không còn tình trạng tiểu thương buôn, bán quýt “nhái” để tự đánh mất đi chính thương hiệu của mình.
ANH DŨNG
Ý kiến ()