Cân bằng trong phát triển đô thị
Những năm qua phát triển đô thị của Việt Nam đã có bước tiến rõ rệt cả về chất và lượng, khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, thực tế phát triển vẫn còn thiếu tính bền vững. Quá nhiều dự án bất động sản, khu đô thị, giao thông…, nhưng thiếu những dự án phục vụ đời sống sinh hoạt, cải thiện môi trường và năng lượng tái tạo.
Theo các con số thống kê, hiện nay cả nước có gần 100 doanh nghiệp cấp nước, quản lý hơn 500 hệ thống lớn nhỏ tại các đô thị. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 81,5%, đạt mức 108 lít/người/ngày đêm, nhưng tỷ lệ thất thoát nước cũng khoảng 25%. Trong khi đó, có hơn 30 nhà máy thoát nước và khoảng 40 nhà máy đang trong quá trình đầu tư với tổng công suất thiết kế khoảng 2,5 triệu m3/ngày đêm và tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải mới đạt khoảng 10% tính theo công suất vận hành thực tế. Bên cạnh đó, lượng chất thải rắn và rác thải sinh hoạt tại các đô thị tăng nhanh, lên mức 20 triệu tấn năm 2015, tỷ lệ thu gom và xử lý đạt 85%. Phương thức xử lý còn lạc hậu, chủ yếu là các bãi rác lộ thiên, chôn lấp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Hình thức đốt rác làm nhiên liệu, cũng như tái chế còn rất ít.
Mặc dù một số chỉ tiêu nêu trên đạt mục tiêu trong các chiến lược phát triển, tuy nhiên sẽ khó bắt kịp với nhu cầu và xu hướng phát triển đô thị trong tương lai. Có thể thấy, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ chưa tương xứng. Mạng lưới đường ống cấp nước xuống cấp, gây thất thoát cao và nhiều nơi còn bị xâm nhập bởi chất thải. Nguồn nước đã và đang suy giảm về chất lượng và số lượng. Trong khi đó, các hệ thống thoát nước cũng cũ kỹ không kém, dẫn đến tiêu thoát nước thấp. Nước thải hầu như chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường. Đồng thời, việc thu gom và xử lý chất thải rắn và rác thải sinh hoạt chưa đạt tiêu chuẩn và đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với những tác động nghiêm trọng như: nước biển dâng, sự ấm lên của toàn cầu, thiên tai ngày càng ác liệt… đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội.
Một lần nữa, câu chuyện phát triển đô thị bền vững cần có những lời giải thỏa đáng. Nhiều chuyên gia nhận định, trước hết phải có một quy hoạch tổng thể, thống nhất và dài hạn nhằm tạo sự cân bằng và bền vững trong phát triển. Tiếp đến là sự phối kết hợp giữa các địa phương, ngành vì đây là các lĩnh vực liên quan đến tổng thể một vùng, hệ thống đô thị. Hiện nay vẫn xảy ra tình trạng quy hoạch vùng, ngành lấn át quy hoạch tổng thể. Song song với đó, xây dựng các chính sách, quy định về quản lý phát triển đô thị, trong đó cần quan tâm cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội và có tính toán đến các xu hướng mới như phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hậu… Đối với các dự án hạ tầng đô thị về nước, nước thải, rác thải cần thực hiện theo cơ chế cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, không phân biệt nguồn vốn, nhằm bảo đảm hài hòa các lợi ích về sinh hoạt của người dân, tài chính của nhà đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()