Cần ban hành chính sách tín dụng đặc thù cho ngư dân
Theo Ban Dân Nguyện của Quốc hội, để tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của ngư dân thì cần nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng đặc thù.
Theo Ban Dân Nguyện của Quốc hội, để tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của ngư dân thì cần nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng đặc thù.
Cần nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ ngư dân |
Nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả
Ban Dân nguyện vừa gửi Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri về khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân.
Theo Ban Dân nguyện, từ kỳ họp thứ Hai đến kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII, cử tri ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở các tỉnh, thành phố ven biển kiến nghị với Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng mới, sửa chữa, nâng cấp các tàu, thuyền có công suất lớn; hỗ trợ dầu để ngư dân đánh bắt vùng biển xa; hỗ trợ cho hoạt động của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cảng biển, bến neo đậu và khu tránh, trú bão cho các tàu thuyền của ngư dân …
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều chính sách và tổ chức thực hiện nhằm hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cử tri vẫn tiếp tục có nhiều kiến nghị. Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, xem xét kết quả giải quyết, trả lời của các bộ, ngành có liên quan, Ban Dân nguyện đã nghiên cứu, đề xuất và được Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí, giao Ban Dân nguyện tổ chức giám sát, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Kết quả giám sát của Ban Dân nguyện cho thấy, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, trong những năm qua, Quốc hội đã ban hành Luật Thủy sản năm 2003, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành khá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, quy định một số chính sách nhằm phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá; hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển khai thác thủy sản, giải quyết việc làm, từng bước ổn định sản xuất và đời sống của ngư dân như: Về vay vốn tín dụng để đóng mới, hoán cải tàu đánh bắt xa bờ; hỗ trợ dầu để ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa; hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân; hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; khuyến khích việc thành lập các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển để giúp đỡ lẫn nhau khắc phục rủi ro trên biển; trang bị phương tiện thông tin liên lạc cho các tàu, thuyền và một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, dịch vụ khai thác thủy sản trên các vùng biển xa …
Ban Dân nguyện đánh giá, về cơ bản, các chính sách đã được ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian qua đã phát huy được hiệu quả, hỗ trợ được doanh nghiệp và ngư dân trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn; góp phần tích cực bảo đảm việc khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản được ổn định, từng bước cải thiện đời sống vật chất của các hộ ngư dân, xóa đói, giảm nghèo ở vùng ven biển, nông thôn và hải đảo.
Cần ban hành chính sách tín dụng đặc thù
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Dân nguyện cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân. Đó là việc theo dõi, cập nhật thông tin về số lượng và hoạt động của tàu cá chưa được chặt chẽ, thường xuyên; việc quy hoạch phát triển tàu, thuyền không hợp lý, thiếu định hướng nên dẫn đến số lượng các phương tiện khai thác ven bờ chiếm tỷ lệ lớn.
Cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác hải sản chưa đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại cho ngư dân như: Các cảng cá, bến cá hiện có đã quá tải xuống cấp, luồng lạch ngày càng bị bồi lắng, cạn dần làm trở ngại cho tàu thuyền khi ra vào phải lệ thuộc vào con nước, mất nhiều thời gian và chi phí. Các cơ sở đóng, sửa tàu cá ở các địa phương chưa được quy hoạch, còn manh mún, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và yếu, năng lực quản lý nhiều hạn chế, tay nghề chưa được đào tạo, chủ yếu đóng tàu nhỏ vỏ gỗ theo mẫu và kinh nghiệm dân gian.
Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ, chính sách tín dụng cho vay chưa phù hợp với đặc điểm của ngư dân; cho vay đóng tàu nhưng chưa tính đến cho vay để mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị nên hiệu quả đầu tư không cao…
Để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân vùng biển, hải đảo, Ban Dân nguyện kiến nghị: Cần nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng đặc thù để tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của ngư dân; tổ chức nghiên cứu về nguồn lợi ngư trường ở vùng biển xa; hướng dẫn, chỉ đạo, tạo điều kiện để các địa phương tổ chức các đội tàu dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá trên biển; ưu tiên phát triển kinh tế biển đúng với tiềm năng, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo. Trong đó, trước mắt, cần tập trung rà soát chính sách liên quan đến việc hỗ trợ giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu, ban hành quy định về tiêu chí khu neo đậu tránh, trú bão; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá để đáp ứng nhu cầu neo đậu hiện nay.
Ban Dân nguyện cũng đề nghị có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản, theo hướng có các điều khoản hỗ trợ đủ mạnh, đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút con em ngư dân theo học nghề khai thác hải sản tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề; hỗ trợ đào tạo đội ngũ lao động hiện nay về kỹ năng hoạt động trên biển, về sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong khai thác, đánh bắt hải sản, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động.
Ban Dân nguyện cũng kiến nghị, củng cố và tăng cường tổ chức hoạt động của bộ máy Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi pham nguồn lợi thủy sản, nhất là các hành vi đánh bắt mang tính tận diệt; có chính sách hỗ trợ các Tổ ngư dân đoàn kết trên biển phát triển, nhằm tạo điều kiện thuận để ngư dân khai thác hải sản có hiệu quả.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()