"Cần 1.300 tỷ USD mỗi năm cho nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu"
Khoản 1.300 tỷ USD mà các nước đang phát triển đề nghị các nước giàu hỗ trợ cho thấy, thế giới cần khoản tài chính lớn đến thế nào để có thể tiến tới những mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo nguồn tin riêng của Wall Street Journal ngày 4/11, hầu hết các nước đang phát triển ủng hộ đề nghị rằng các nước giàu phải chi ít nhất 1.300 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu, bắt đầu từ năm 2030, và đề nghị này đã trở thành một trong các chủ đề gây tranh cãi nhất tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh).
Các nước châu Phi và nhóm nước lấy tên là “Các nước đang phát triển có cùng Quan điểm” bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, cho biết họ đã đệ trình lên Liên hợp quốc bằng văn bản rằng một nửa số tiền nói trên sẽ được sử dụng để giúp các nước đang phát triển tiếp cận năng lượng tái tạo và một nửa còn lại sẽ được dùng để ứng phó với tình hình nóng lên toàn cầu.
Khoản tiền 1.300 tỷ USD nêu trên cho thấy thế giới cần khoản tài chính lớn đến thế nào để có thể tiến tới những mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu đặt ra tại hội nghị Paris 2015.
Các nước phát triển từ lâu đã cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu và cam kết đó là mấu chốt trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015. Theo đó, Mỹ, châu Âu và một số quốc gia giàu có khác nhất trí sẽ chi khoảng 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 đến hết 2025 cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo cam kết của các nước phát triển, mục tiêu huy động tài chính sau năm 2025 phải phản ánh được sự nhất trí và nguyện vọng của cả thế giới muốn duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C và trong ngưỡng 1,5 độ C.
Tuy nhiên, các nước phát triển đã không đạt được mục tiêu huy động nguồn tài chính trong năm 2020, thiếu khoảng 20 tỷ USD, và họ cũng khó mà đạt được mục tiêu đã đề ra từ nay đến hết năm 2023, theo báo cáo dự báo của các chuyên gia đưa ra hồi tháng Mười vừa qua. Điều này khiến nhiều nước đang phát triển không hài lòng và khiến các cuộc thảo luận tại Glasgow hiện nay càng thêm phần phức tạp.
Phía các nước phương Tây cho biết họ chưa sẵn sàng đưa ra kế hoạch sẽ chi bao nhiêu cho ứng phó với biến đổi khí hậu sau năm 2025 trong bối cảnh còn chưa đạt được mục tiêu chi 100 tỷ USD mỗi năm hiện nay. Tuy nhiên, đại diện Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/11 cho biết việc đàm phán ứng phó với biến đổi khí hậu tại hội nghị Glasgow đã có được những khởi đầu tốt.
Ông Jacob Werksman, Trưởng đoàn đàm phán của EU, cho rằng hiện còn quá sớm để có thể khẳng định rằng nỗ lực đàm phán tại hội nghị COP26 lần này đã thành công nhưng tình hình đang cho thấy có tiến triển khá tốt.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của hội nghị COP26 lần này là các nước hoàn thiện xong bộ quy tắc liên quan tới khí thải carbon, và giải quyết câu hỏi liệu các nước có phải cập nhật kế hoạch giảm thiểu khí carbon của mình thường xuyên hơn so với thời gian yêu cầu cập nhật 5 năm một lần như đang áp dụng hiện nay.
Cũng trong ngày 4/11, hàng chục nước đã nhất trí không phát triển các nhà máy điện chạy than cũng như các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi. Chuyên gia Lauri Myllyvirta thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch cho rằng những cam kết của các nước kể trên đã góp phần nâng mức yêu cầu phải ứng phó với biến đổi khí hậu cho các nước khác, kể cả Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong khi đó, một cam kết riêng do Mỹ và Anh đề xuất nhằm chấm dứt chi tài chính công cho các dự án đầu tư dầu khí ở nước ngoài chỉ có khoảng 20 nước ký. Trong thỏa thuận này, các ngân hàng được chính phủ hậu thuẫn ở Mỹ, Canada và Anh tuyên bố sẽ dừng hỗ trợ tài chính cho các dự án than và dầu khí ở nước ngoài từ cuối năm sau và ưu tiên cho các dự án năng lượng sạch./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()