Campuchia phong tỏa thủ đô 2 tuần
Chỉ một ngày sau khi kéo dài thêm lệnh giới nghiêm ban đêm, Chính phủ Campuchia đã quyết định thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội tại thủ đô Phnom Penh 2 tuần, kể từ ngày 15/4.
Sắc lệnh do Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký đêm 14/4 nêu rõ tình trạng phong tỏa có hiệu lực cả ở Takhmao, thành phố thủ phủ của tỉnh Kandal tiếp giáp Phnom Penh.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng việc thực hiện lệnh phong tỏa Phnom Penh và Takhmao là để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang lan rộng trong cộng đồng.
Ngày 14/4, Bộ Y tế Campuchia cho biết đã ghi nhận ca tử vong thứ 36 do COVID-19 và 178 ca nhiễm mới ở nước này, trong đó có 177 ca liên quan tới “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”.
Trong thời gian phong tỏa, cư dân không được phép rời khỏi nhà, trừ trường hợp đi mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Trong trường hợp này, 2 thành viên trong gia đình được phép ra ngoài nhưng không quá 3 lần/tuần. Những người thường xuyên phải di chuyển để đi làm hoặc kinh doanh vẫn được ra ngoài đường nhưng phải có giấy phép của chủ thuê lao động hoặc cơ quan quản lý.
Cư dân Phnom Penh được phép rời khỏi nơi cư trú trong trường hợp đi khám bệnh, hoặc điều trị khẩn cấp, nhưng trường hợp này chỉ cho phép không quá 4 người đi lại. Những trường hợp được miễn lệnh phong tỏa gồm nhà ngoại giao; thành viên các đại sứ quán; các phái bộ ngoại giao; tổ chức phi chính phủ nước ngoài; các tổ chức trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và cơ quan tài chính quốc tế; những người đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và đi tiêm chủng vaccine phòng dịch.
Quyết định của Chính phủ Campchia cũng nêu rõ trường hợp những người hoạt động chuyên môn phục vụ mục đích công như nhà báo cũng có thể đi lại trong khi thực thi nhiệm vụ với giấy chỉ định của người đứng đầu cơ quan báo chí và được nhà chức trách chấp thuận.
Các cá nhân có thể rời nhà tham gia hoạt động thể thao hoặc tập thể dục ngoài nhà riêng nhưng chỉ cho phép tối đa 2 người; cho phép đi và đến sân bay trong các chuyến bay có lịch trình trong điều kiện phải tuân thủ triệt để các biện pháp y tế phòng dịch.
Những hoạt động kinh doanh thiết yếu như dược phẩm, doanh nghiệp chế biến thức ăn, lò mổ, siêu thị, cửa hàng bán đồ tiện dụng, nhà hàng, trạm bán khí đốt cùng nhiều dịch vụ khác được phép hoạt động nhưng phải giám sát mọi biện pháp phòng chống COVID-19. Những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc bán sản phẩm trực tuyến cũng được miễn lệnh phong tỏa này.
Quyết định phong tỏa của Chính phủ Campuchia cấm mọi hình thức tụ tập, trừ trường hợp các thành viên gia đình trong cùng một nhà; việc tổ chức tang lễ phải xin phép nhà chức trách.
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia đã tăng lên tới 4.874 người, với 2.544 ca đã bình phục.
Thủ tướng Hun Sen bày tỏ mong người dân thấu hiểu, kiên nhẫn và đồng hành cùng Chính phủ trong thời gian 14 ngày nhằm chặn đứng sự lây lan của dịch COVID-19. Ông cũng kêu gọi cấm bán các đồ uống có cồn trên cả nước trong thời gian này để tránh các cuộc tụ tập không cần thiết.
Theo báo Khmer Times, một ủy ban quốc gia do Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Aun Pornmoniroth của Campuchia lãnh đạo đã được lập ra để giám sát lệnh phong tỏa.
Theo hãng tin Reuters, trước khi lệnh phong tỏa được công bố chính thức, đã có những tin đồn về việc áp dụng biện pháp này tại Phnom Penh. Các ảnh chụp ngày 14/4 cho thấy cảnh nhiều người đã đổ xô tới siêu thị, các khu chợ ở thủ đô để mua thực phẩm.
Báo Khmer Times cũng cho biết nhiều người dân đã đổ tới các siêu thị, các khu chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa… để tích trữ các đồ nhu yếu phẩm ngày 14/4.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Không hề thiếu thực phẩm, gạo, thịt và rau quả tại Phnom Penh trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa”.
Thủ tướng Hun Sen yêu cầu Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng quan tâm đặc biệt việc cung cấp gạo và thực phẩm cho người nghèo. Ông cũng đề nghị Chính phủ mở kho dự trữ gạo để bán ra thị trường với giá bình ổn.
Ý kiến ()