Campuchia cam kết tuân thủ tự do hóa sau vụ ngừng nhập cá của Việt Nam
Campuchia tái khẳng định cam kết tuân thủ tự do hóa thương mại trong khuôn khổ hệ thống thương mại đa phương và ASEAN, tìm giải pháp đưa hoạt động thương mại Việt Nam-Campuchia trở lại bình thường.
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 5/2, Bộ Thương mại Campuchia có công văn phản hồi chính thức việc ngày 8/1/2021, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Campuchia ra thông báo dừng nhập khẩu 4 loại cá da trơn như cá tra, cá bớp, cá trê và cá quả từ các nước láng giềng chung biên giới với Campuchia; trong đó có Việt Nam.
Công văn của Bộ Thương mại Campuchia nêu rõ phía Campuchia sẽ nỗ lực tham vấn nội bộ để tìm ra giải pháp thích hợp giải quyết vấn đề, nhằm đưa hoạt động thương mại song phương trở lại bình thường, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Phía Campuchia tái khẳng định cam kết tuân thủ và ủng hộ tinh thần tự do hóa thương mại trong khuôn khổ hệ thống thương mại đa phương và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Trước đó, ngày 19/1/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã gửi công thư tới Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak nêu rõ việc các lô hàng cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu qua Campuchia không được thông quan và bị đẩy trở lại Việt Nam.
Theo điều XX của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại, các biện pháp hạn chế xuất/nhập khẩu chỉ được áp dụng trong các trường hợp ngoại lệ gồm (i) bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội; (ii) bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật; (iii) bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, tác phẩm lịch sử, nghệ thuật, khảo cổ quốc gia hoặc (iv) bảo vệ môi trường.
Lệnh cấm nhập khẩu 4 loại cá nói trên của Campuchia có dấu hiệu đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Theo Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu khoảng 60 triệu USD/năm giá trị thủy sản sang Campuchia.
Tuy Campuchia không phải là thị trường lớn đối với thủy sản của Việt Nam nhưng nhu cầu nhập khẩu của thị trường tương đối ổn định, đóng góp tốt cho việc phát triển thương mại ở khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm và thu nhập nhất định cho người dân./.
Ý kiến ()