Cảm xúc về Điện Biên
LSO-“Bao chiến sĩ trên mỗi mét chiến hào/Người tiếp người gập ghềnh từng tấc đất/Hố bộc phá hình loa kèn xung trận/Vọng ngàn năm như mệnh lệnh không lời”. Đó là những câu thơ chúng tôi được nghe từ thuyết minh viên khi tham quan các điểm di tích lịch sử tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên hồi đầu tháng 4/2018. Chuyến đi đã đọng lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc, thêm khâm phục và tự hào về chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc ta 64 năm về trước.
Khách tham quan nghe thuyết minh mô phỏng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ |
Sức mạnh dân tộc
Tại các điểm đến như: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đồi A1, D1…, qua lời kể của chị Bạch Thị Hoàn, thuyết minh viên của Bảo tàng, hình ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ như những thước phim quay chậm tái hiện cho chúng tôi về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân ta với “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”. Những hiện vật, những chiến tích cho thấy sự tương quan chênh lệch về lực lượng, phương tiện, vũ khí giữa quân ta và địch. Nếu bên kia là những gì tối tân, hiện đại nhất thì phía ta là những gì thô sơ, thủ công nhất. Nhưng chúng ta đã làm nên điều phi thường mà thực dân Pháp không ngờ tới.
Ấn tượng đầu tiên là về hệ thống hầm hào dài gần 500 km như chiếc thòng lọng thít chặt Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong điều kiện địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và chỉ bằng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, chúng ta đã tạo nên hệ thống hầm hào chằng chịt, để đến khi mở chiến dịch tấn công, quân Pháp đã không kịp trở tay.
Ấn tượng nữa là hình ảnh chiếc xe đạp thồ lương thực của quân và dân ta trong chiến dịch. Không một người Pháp nào khi đó có thể ngờ tới một chiếc xe đạp do chính họ sản xuất khi được gia cố vành, săm, lốp, nan hoa, tay cầm lại trở thành “vũ khí đặc biệt” đánh bại bọn chúng. Dù trên những cung đường gian nan, hiểm trở nhưng dân công của ta vẫn chở được bình quân từ 200 – 300 kg gạo. Cùng đó là hình ảnh minh họa y tá của ta phải khâu sống thương binh do không có thuốc mê… Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng nhờ sức mạnh đoàn kết của cả một dân tộc, cùng sự lãnh đạo tài ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta đã giành chiến thắng trước một thực dân lớn. Từ đó đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước trên thế giới.
Các cựu chiến binh thắp hương phần mộ anh hùng Bế Văn Đàn tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên |
Những liệt sĩ vô danh
Để có chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội là những mất mát, hy sinh không sao kể siết của quân và dân ta 64 năm về trước. Nhiều người trong số họ tìm được hài cốt quy tập tại các nghĩa trang, nhưng nhiều người đến nay vẫn nằm đâu đó nơi đất mẹ Điện Biên. Thắp nén hương thơm tưởng nhớ và tri ân những người đã khuất tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, tôi và bao nhiêu người tới đây đều rưng rưng xúc động. Tại đây, chúng tôi gặp nhiều người dân đến từ các tỉnh, thành cũng về dâng hương tưởng nhớ đồng chí, đồng đội và lớp lớp cha anh mình.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Ngân, 75 tuổi, đến từ phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: Đã nhiều lần đến Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ nhưng lần nào, tôi cũng trào dâng niềm xúc động. Nhiều đồng đội, đồng chí và cũng là người thân của tôi đã vĩnh viễn nằm lại đây nhưng không biết rõ phần mộ nào để đưa về quê. Chính vì vậy, dù sức khỏe nay đã giảm nhưng tôi vẫn cố gắng về đây thắp nén hương cho người thân và đồng đội của mình.
Hiện nay, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ có 644 ngôi mộ nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, chỉ có 4 ngôi mộ có bia khắc đầy đủ họ tên các liệt sĩ gồm: anh hùng Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện và Trần Can, còn lại là những phần mộ vô danh. Rất nhiều phần mộ khác được quy tập về Nghĩa trang Him Lam, Nghĩa trang Độc Lập của tỉnh Điện Biên cũng đều không biết tên tuổi, địa chỉ. Đó là còn chưa kể số chiến sĩ hy sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. “Chỉ tính riêng tại khu đồi A1, nơi có diện tích rộng chừng 100.000 m², số lượng bộ đội ta hy sinh tại cứ điểm này có thể dải kín khắp quả đồi” – chị Lê Thị Dung, thuyết minh viên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết. Thế mới hiểu, cái giá để giành lại hòa bình, độc lập là quá đắt. Nhưng thắng lợi đó là thắng lợi của chính nghĩa, là thắng lợi vinh quang.
Tạm biệt Điện Biên, hình ảnh tượng đài “Quyết chiến quyết thắng” sừng sững trên đồi D1 cứ đọng mãi trong chúng tôi. Tượng đài do điêu khắc gia Nguyễn Hải, quê huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang – người trước đó chưa từng đến Điện Biên nhưng qua sách báo, âm nhạc và tình cảm cá nhân, ông đã sáng tác thành công mẫu tượng. Tình cảm của ông có lẽ cũng là tình cảm chung của mỗi người con đất Việt, dù đến hoặc chưa đến Điện Biên nhưng âm vang của chiến thắng Điện Biên sẽ còn vang mãi về sau.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()