Cấm xe máy ở đô thị, cấm thế nào?
Một lộ trình sớm và rõ ràng, một sự chuẩn bị tốt là những điều mà phần lớn bạn đọc đề xuất khi bày tỏ sự đồng tình với đề xuất cấm xe máy ở các thành phố lớn.
Sau bài viết của TS Lương Hoài Nam ‘ Cần chuẩn bị cấm xe máy ở tất cả đô thị lớn’, báo điện tử VTC News đã nhận được hàng nghìn ý kiến bình luận, chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Trong số gần 7.000 độc giả, có tới gần 4.000 ý kiến đồng ý với việc cần thiết xây dựng một lộ trình cấm xe máy ở những đô thị lớn ngay từ bây giờ, để xóa bỏ những tác hại khủng khiếp đến từ ‘tư duy xe máy’ đã tồn tại như một vấn nạn của xã hội.
Và quan trọng nhất, là mong muốn để lại cho thế hệ mai sau các đô thị văn minh, hiện đại, với nền giao thông an toàn và sạch hơn.
Ủng hộ cấm xe máy
Với những lý lẽ sắc bén, dẫn chứng cụ thể, gần gũi thực tế và tư duy sâu sắc, bài viết của TS Lương Hoài Nam đã phản ánh đúng thực trạng giao thông đô thị Việt Nam còn nhiều bất cập.
Hơn 53% ý kiến độc giả đồng tình với quan điểm TS Lương Hoài Nam đưa ra.
Độc giả Hải Vân (haivan747) cho rằng đây là ‘Một bài viết hay, có cái nhìn và đánh giá khá nhạy cảm nhưng kỳ thực với tôi nó lại chính xác và đáng quan tâm. Tôi thấy là từ lâu chúng ta cứ loay hoay trong tất cả các vấn đề xã hội mà tiến cũng không được lùi cũng không xong.
|
Ngay cả việc xử phạt giao thông cũng có vấn đề về tính răn đe “ý tôi là quá nhẹ” cứ suy tới, tính lui, cái này liệu có được không, cái kia có ảnh hưởng không thì… tới khi người ta di chuyển bằng phương tiện bay cá nhân mà chúng ta vẫn cứ “suy đi tính lại”.
Một cuộc cách mạng trong tư duy sẽ tốt hơn cho chúng ta, các thế hệ sau và nhiều thế hệ sau nữa… Đó là điều chúng ta cần làm ngay bay giờ. TÔI ỦNG HỘ!”
Đồng tình với quan điểm này, độc giả Trần Thanh Hải khẳng định: ‘Việt Nam nên ban hành lộ trình cấm xe máy ở tất cả các thành phố lớn.
Hãy hỏi tất cả những ai phản đối chính sách cấm xe máy xem họ đã từng lái xe ô tô, hoặc chỉ mới học lái xe ô tô xem họ đã nghĩ gì, liệu lúc đó họ có mong cho những người đi xe máy đi đúng luật, không lạng, lách đánh võng hay tạt đầu xe ô tô hay không để họ khỏi run, khỏi sợ, hay thậm chí là chửi toáng lên khi xe máy gây nguy hiểm cho họ khi lần đầu cầm lái ô tô.
Hỡi các nhà làm chính sách, hãy nghĩ xa hơn, nghĩ đến mục tiêu lớn hơn, đừng để những cái tiện lợi trước mắt làm mờ đi suy nghĩ của mình, hoặc có thể là kéo thụt lùi cả một xã hội đang trên đà phát triển.’
Dù trong gia đình, mỗi người đều có một xe máy để đảm bảo các hoạt động hàng ngày, và khẳng định rằng xe máy đang là phương tiện hữu ích trong thời điểm này, nhưng độc giả Hung vẫn đồng tình với quan điểm của TS Lương Hoài Nam: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả.
Cần nói thêm rằng: Kinh tế Việt Nam đã, đang phát triển, con người Việt cần có môi trường sống sạch, văn minh, an toàn. Xe máy sẽ hoàn thành vai trò của nó trong một giai đoạn nhất định.
Đã đến lúc phải có lộ trình dừng lại sự phát triển ồ ạt của xe máy và không cho lưu thông ở các thành phố để nhường cho sự phát triển các phương tiện khác sạch, an toàn và văn minh hơn.
Đầu tư đường xá và bớt bảo hộ ôtô nội
Độc giả Cùng Phượt cho rằngQuảng Châu có tàu cao tốc, có xe buýt thân thiện, hệ thống giao thông tốt và hơn cả là ô tô của họ có thể sản xuất trong nước, giá không quá cao. Nếu muốn cấm xe máy thì phải bắt đầu ngay và tầm 10-15 năm nữa cấm là vừa.
Nhiều độc giả hiến kế cấm xe máy tại các đô thị lớn. Ảnh OF |
Cần đầu tư sửa đường xá, đầu tư cho hệ thống vận tải công cộng, hệ thống giao thông, không giảm thuế nhập khẩu thì cũng bớt bảo hộ cho ngành ô tô trong nước bởi giá xe thì trên trời, thuế thì đủ các loại, phí trông giữ thì cao trong khi bãi đỗ xe thì không có….
Độc giả tên Nghiem lại khẳng định đồng ý nhưng phải làm trước những việc sau
1. Mở rộng đường.
2. Phát triển hệ thống giao thông công cộng
3. Xóa bỏ toàn bộ các con hẻm (mở rộng hẻm có chiều rộng 6m ).
4. Giá xe ôtô phải rẻ = 1/3 bây giờ.
Cần cấm cả ôtô cá nhân
Độc giả Lam Huynh cho rằng đầu tiên, phải cấm ôtô cá nhân vào các tuyến đường nội thành, để rộng đường cho xe buýt chạy nhanh, an toàn và đúng giờ.
Đánh thuế thật cao ôtô cá nhân và xây các bãi đậu xe xa nội thành với phí giữ xe thật cao thì sẽ giảm được ôtô cá nhân trong nội đô.
Buộc các hãng giảm số lượng sản xuất xe máy và tăng giá thuế tiêu thụ xe máy thuế giao thông thật cao với xe máy, người ta sẽ bớt mua xe máy.
Dùng tiền thuế và tiền phí thu được đó xây dựng đường sá thật tốt và phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, hệ thống xe buýt chạy gas thiên nhiên.
Quy hoạch chợ và khu vực bán hàng rong nhất định cho người bán rong; khi cấm oto và xe máy, phải cho xích lô đạp hoạt động trở lại để các bà đi chợ có thể chở nhiều đồ về nhà trong hẻm. ..
Không cấm cưỡng bức
Sau khi phân tích rất kỹ bài viết “Cần chuẩn bị cấm xe máy ở tất cả các đô thị lớn” độc giả có mail [email protected]khẳng định đồng tình với quan điểm của tác giả là giảm xe máy có lộ trình nhưng không đồng tình ở việc cưỡng bức cấm xe máy mà không có phương tiện công cộng tiện dụng để thay thế. Và khi có phương tiện công cộng thì việc lựa chọn ôtô cá nhân/phương tiện công cộng để đi lại sẽ do người dân cân đối quyết định, dựa trên nguyên tắc cơ bản:
Tiện dụng, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi!!!…Không thể đề ra các biện pháp hành chính để thiên về loại hình phương tiện nào cả!
Cái cần làm bây giờ là nhanh chóng phát triển tàu điện trên cao, đồng bộ với hệ thống bus, xe đạp, đi bộ. Lúc đó, xe cá nhân sẽ tự thu hẹp và mới đề ra thêm những biện pháp hành chính làm hạn chế xe cá nhân, thì ta sẽ thành công!
Hiến kế
Độc giả Quân Nguyễn còn ‘hiến kế’ để lộ trình tiến tới việc cấm xe máy ở các đô thị được thực hiện một cách tự giác, đó là: ‘Nếu có thể tạo ra được một hệ thống giao thông công cộng thuận tiện thì không cấm người dân cũng tự bỏ không đi xe máy nữa.
Vấn đề là phải đồng bộ được hệ thống giao thông, kết nối được giữa việc đi bộ và kết hợp các phương tiện công cộng tuy nhiên thực trạng ở Việt Nam hiện nay vẫn nhiều nơi không có vỉa hè cho người đi bộ.
Hệ thống đường giao thông không thuận tiện để sử dụng phương tiện to như ô tô hay quá xa để đi bộ đến điểm có phương tiện công cộng điều kiện sống của người dân chủ yếu là trong các ngõ ngách sâu nên việc kết nối với trục đường chính càng xa hơn.
Chính vì thế, theo tôi không chỉ phải làm lại hệ thống giao thông mà phải thay đổi điều kiện sống của người dân, quy hoạch lại nhà ở với quy mô lớn để tạo hệ thống giao thông và cũng là tạo ra thay đổi nhận thức khi chuyển đến nơi ở mới trên nguyên tắc không làm xáo trộn cuộc sống của người dân tại nơi ở mới.
Theo tôi trên nguyên tắc Nhà nước và Nhân dân cùng là hoàn toàn có thể thực hiện được.’
Vấn nạn tắc đường. |
Độc giả JohnBie cũng hiến kế học hỏi từ nước bạn Nhật Bản: Hãy học hỏi ở người Nhật, một hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại một cách thuận tiện, nhanh chóng, khi ấy không cần đến lệnh cấm thì người dân cũng sẽ chọn phương tiện cộng cộng.
Phân luồng lộ trình xe máy song song với việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại (chính sách thu hút vốn đầu tư từ trong nước đến ngoài nước).
Nhiều độc giả phân tích, những biện pháp TS Lương Hoài Nam đưa ra chắc chắn nếu thực hiện sẽ gặp nhiều cản trở, khó khăn. Nhưng dù khó khăn cũng phải làm, không còn cách nào khác, bởi đó là quy luật của sự phát triển từ hình thái này sang hình thái khác.
Tuy nhiên, do phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân tại các đô thị vẫn là xe máy, nên còn không ít ý kiến băn khoăn về lộ trình thực hiện, và phương pháp thực hiện việc cấm này liệu có khả thi.
Phải tới 2025 mới có thể cấm
Theo độc giả Cahu, nếu cấm xe máy, thì phải lo việc vận chuyển cho toàn bộ những người đi xe máy. Giả định số này chiếm 80% lượng giao thông hiện giờ. 5% họ sẽ chuyển sang ô tô, xe đạp và 75% sang phương tiện công cộng (tất cả là ước tính).
Như vậy, hệ thống công cộng phải chịu trách nhiệm vận tải 75% mà xe bus mới được 10% và tối đa được 30%. Tầu điện 30% nữa, như vậy để đạt được cũng mất 10 năm, với tối thiểu 5 tuyến.
Như vậy, lộ trình cấm xe máy sẽ là: tăng gấp 3 công suất xe bus (5năm) và xây 5 tuyến metro (10năm). Tổng cộng đến 2025 có thể cấm.
Ý kiến ()