Cấm tự ý hoán cải, tua công-tơ-mét
Trong dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, nhiều hành vi liên quan đến phương tiện, kiểm định xe cơ giới đã được thêm vào. Trong đó đáng chú ý là quy định cấm tua công-tơ-mét, tự ý cải tạo xe đang được dư luận hết sức quan tâm.
Dịch vụ hoán cải xe và tua công-tơ-mét
Không khó để bắt gặp những trường hợp ôtô loại 16-24 chỗ từng được dùng làm xe khách được hoán cải thành xe chở hàng. Chủ xe đã tháo bỏ hoàn toàn hệ thống ghế ngồi để tạo thành khoang chở hàng. Tình trạng này mang đến nhiều hoài nghi và hoang mang cho người đi đường. Không ít người bày tỏ quan ngại về sự an toàn mà những chiếc xe chở hàng được hoán cải từ xe khách.
Qua tìm hiểu của phóng viên, quy định về cải tạo xe cơ giới hiện hành cho phép một số trường hợp chở người được thay đổi kết cấu, hình dáng và công năng của xe. Trong đó, xe ôtô chở người có từ 16 chỗ ngồi (kể cả người lái) trở xuống được cải tạo kết cấu để chuyển đổi thành xe ôtô tải van; xe ôtô chở người cũng được cải tạo thành xe cứu thương… Tuy nhiên, những trường hợp muốn cải tạo phải thực hiện các thủ tục theo quy định hiện hành, được trung tâm đăng kiểm kiểm định và cấp chứng nhận đăng kiểm đối với xe sau cải tạo và đổi biển số đăng ký. Đặc biệt, pháp luật hiện hành cấm không được cấp phép cải tạo đối với xe đã có thời gian sử dụng trên 15 năm, tính từ năm sản xuất. Tất cả những trường hợp chủ xe tự ý tháo ghế và chuyển từ chở người thành xe chở hàng hóa sẽ không được cấp đăng kiểm, khi lưu thông sẽ bị xử phạt.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, dịch vụ hoán cải xe khách cũ thành xe chở hàng đang khá phổ biến. Một số trang như: giaytoxe.vn; xetaichuyendung.com.vn; xetaithanhcong.com.vn… đều đăng tải những dòng quảng cáo nhận hoán cải xe khách cũ thành xe tải.
Đơn cử như website: hoancaixetai.vn đăng tải dòng quảng cáo rất kêu: “Chuyên hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng kiểm, sang tên chính chủ cho tất cả các dòng xe ôtô. Hoán cải xe, làm hạ tải cho xe tải (đăng ký khớp với đăng kiểm) với thủ tục nhanh gọn”. Tương tự, trên website otoso1.com.vn cũng có dòng quảng cáo “Dịch vụ hoán cải, cải tạo xe khách 16 chỗ thành xe van 3 chỗ, 6 chỗ” đồng thời nhấn mạnh “khi hoán cải thành xe tải van sẽ được tăng thêm 5 năm sử dụng (tổng thời hạn sử dụng phương tiện là 25 năm kể từ năm sản xuất)”.
Liên hệ với số điện thoại được quảng cáo, nhân viên tên Minh chia sẻ, cơ sở của anh chuyên nhận hoán cải các loại xe từ xe khách thành xe chở hàng, cho đến thay đổi kết cấu, tăng kích thước của xe tải… “Nếu như anh em sợ bị phạt thì bên em lo luôn cả thủ tục đăng ký hoán cải. Giá cả và thủ tục chúng ta nên gặp nhau để biết cụ thể…”, Minh nói.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, phải giám sát chặt những trường hợp xe hoán cải lưu thông trên đường, bởi thực tế ghi nhận không ít vụ tai nạn do xe hoán cải trái phép gây ra. “Những trường hợp xe khách hoán cải gây tai nạn trong thời gian qua chứng tỏ cho dù quy định cho phép cải tạo xe khách cũ thành xe chở hàng nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp lợi dụng quy định này để tự ý cải tạo hoặc cải tạo trái phép rồi đưa xe lưu thông trên đường. Điều này gây nguy hiểm cho những phương tiện khác và người đi đường”, ông Thủy cho biết thêm.
Không chỉ nhấn mạnh về việc tự ý cải tạo xe mà vấn đề tua công-tơ-mét (tua công) cũng được đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật an toàn giao thông đường bộ. Trên thực tế, việc “tua công” là việc làm thường ngày của dân mua bán xe. Bởi, việc “tua công” này để giảm chỉ số km xe chạy nhằm lừa khách hàng mua ôtô cũ. Tuy nhiên hiện nay chiêu thức này còn được nhiều lái xe thực hiện nhằm ăn gian cước vận chuyển hay rút ruột tiền thanh toán chi phí xăng dầu.
Để tìm hiểu thực hư việc “tua công” xe ôtô, chúng tôi có kết nối với anh Đăng Văn Đ. – chủ một cửa hàng chuyên buôn xe ôtô cũ trên đường Dương Đình Nghệ (Hà Nội). Anh Đ. cho hay, việc “tua công là khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên việc “tua công” này chỉ dễ dàng với những loại xe phổ thông, xe đời cũ có giá bình dân. Còn với những loại xe sang thì việc “tua công” khá phức tạp, cần phải có thiết bị chuyên dụng, giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng tùy loại. “Do đa số khách hàng đều không có chuyên môn gì về xe, thứ duy nhất họ đánh giá xe cũ và mới chỉ là đồng hồ chỉ công-tơ-mét. Chính vì thế việc “tua công” gần như gara nào cũng sử dụng. Theo tôi khách mua xe cũ nên chọn chỗ người quen, hoặc nhờ những người có chuyên môn đi xem xe trước khi quyết định mua”, anh Đ. tiết lộ.
Không chỉ “tua công” để bán xe cũ mà còn có hiện tượng “tua công” để tăng số km nhằm “ăn gian” cước vận chuyển hoặc thanh toán chi phí xăng dầu. Anh Đ. cho biết thêm, một số tài xế vẫn thường xuyên vào các gara để nhờ nhân viên điều chỉnh số ODO (đồng hồ đo quãng đường xe hạy) theo hướng tăng số km xe chạy. “Khách “tua công” thường là những lái xe cho các công ty, cơ quan Nhà nước để tăng chỉ số ODO nhằm thanh toán chi phí tiền xăng cao hơn mức khoán.
Một điều đặc biệt, dịch vụ “tua công” này gần đây không chỉ được làm trực tiếp tại các gara mà còn cả dịch vụ tại nhà. Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “dịch vụ tua công” có thể cho ra hàng loạt kết quả. Tại các trang này quảng cáo: “Tua công nhanh gọn, giá rẻ phục vụ tại nhà, giá chỉ 300 – 1 triệu đồng tùy vào loại xe”.
Kết nối với một người đăng quảng cáo “tua công”, người này cho biết: “Đối với những xe đơn giản, có thể cắm trực tiếp vào cổng OBD (hệ thống có chức năng đọc thông số trên xe, giám sát hoạt động của các bộ phận quan trọng trên động cơ, đồng thời chẩn đoán lỗi của các bộ phận này và phát ra tín hiệu cảnh báo). Những dòng xe không thao tác được qua việc cắm máy vào cổng OBD đều phải tháo đồng hồ xe ra vì ở đó mới có chân cắm”.
Đặc biệt, để “tua công” tăng chỉ số ODO, lái xe còn có thể tự tìm kiếm trên mạng để mua thiết bị với giá tương đối rẻ. Một thiết bị có hình dạng tẩu cắm trên ôtô được quảng cáo, hướng dẫn như sau: “Để “tua công”, khi cắm nguồn vào, thiết bị sẽ hoạt động. Trong thời gian 60 phút sẽ hoạt động tối đa theo đồng hồ. Ví dụ, khi chạy thiết bị 60 phút thì đồng hồ xe Fortuner sẽ tăng tối đa 200 km”.
Gọi vào số điện thoại trang web trên, phóng viên được một người đàn ông báo giá có 2 loại 500.000 và 700.000 đồng, thời gian lắp đặt chỉ mất 5 phút. Người này còn hỏi thêm: “Muốn tua km lên hay xuống?”.
Theo các chuyên gia, việc “tua công” có những hậu quả rất lớn, nếu mua xe cũ bị “tua công”, người mua sẽ không thể biết thời điểm chính xác để thực hiện mục bảo dưỡng ôtô. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận hành, thay thế các chi tiết định kỳ. Nếu xe đang trong thời gian bảo hành mà bị phát hiện “tua công” sẽ bị hãng từ chối bảo hành.
Anh Lê Bằng (cố vấn kỹ thuật của hãng xe Nissan) cho hay, với những xe bảo dưỡng đều được lưu lại thông tin, nếu xe mang tới đại lý, bằng các biện pháp đối chiếu, kiểm tra bằng máy có thể biết được xe có bị “tua công” hay không, kể cả với nhiều mẫu xe đời mới”, cố vấn dịch vụ chia sẻ thêm.
Cấm là cần thiết!
Trước tình trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng việc siết chặt hơn nữa Luật Trật tự an toàn giao thông là vô cùng cần thiết. Cụ thể tại dự thảo, Bộ Công an đã đưa nhiều nội dung liên quan đến phương tiện vào hành vi bị nghiêm cấm. Việc nghiêm cấm cải tạo các loại xe ôtô loại khác thành ôtô chở người; tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được cho là cần thiết.
Chủ phương tiện cũng không được cải tạo, lắp đặt thêm hoặc tháo bỏ phụ tùng liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện khi tham gia giao thông so với thiết kế, thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đã được phê duyệt; tự ý cắt, hàn, tẩy xóa, đục lại số khung, số máy của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Ngoài ra, các hành vi tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, động cơ đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định cũng bị nghiêm cấm.
Bên cạnh đó, so với quy định hiện hành (tại Luật Giao thông đường bộ 2008), dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đã bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm như: tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ôtô hay thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm.
Thực tế, đây là những hành vi diễn ra phổ biến trên thực tế, nhiều trường hợp xe cũ bị tua công-tơ-mét để nâng giá trị xe, song cũng không ít tình huống chủ xe công khai có nhu cầu thuê phụ tùng “zin” của phương tiện để lắp đặt cho xe đã “độ” mà chưa qua phê duyệt cải tạo nhằm qua mặt đơn vị đăng kiểm.
Theo các chuyên gia, việc bổ sung các quy định này vào hành vi bị nghiêm cấm là cơ sở để xây dựng chế tài xử phạt, ngăn chặn tình trạng này xảy ra, giúp đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện. Theo quy định hiện hành, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể chế tài đối với hành vi tua công- tơ-mét ôtô, thay thế phụ tùng để đưa xe đi kiểm định, do đó, lực lượng chức năng chưa có căn cứ để xử phạt.
Nguồn:https://antg.cand.com.vn/Phong-su/cam-tu-y-hoan-cai-tua-cong-to-met-i706652/
Ý kiến ()