Cảm nhận đến với nơi đảo xa
(LSO) – Được sự quan tâm của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, từ ngày 8/5 đến 16/5 Đoàn công tác số 12 gồm 197 thành viên của 4 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thái Nguyên và một số bộ, ngành trung ương đã có chuyến thăm, tặng quà, động viên cán bộ chiến sỹ, nhân dân tại 8 đảo: Đá Thị, Nam Yết, đảo Đá Lớn, đảo Sinh Tồn, Tốc Tan A, Phan Vinh B, Đá Đông C, huyện đảo Trường Sa lớn, tỉnh Khánh Hòa.
Trong suốt hải trình trên tàu Trường Sa 571, mỗi điểm đảo nơi chúng tôi đến đều đọng lại trong mỗi thành viên đoàn công tác rất nhiều cảm xúc. Đúng 5 giờ sáng ngày 10/5 chuông báo thức tàu reo lên, tôi nhanh chân bước ra phía trước ca bin để kịp nhìn thấy đảo đầu tiên trong hành trình đặt chân đến. Ẩn sau những đám mây xám, đảo nhỏ dần hiện ra với hình ảnh lá cờ Tổ quốc.
Các thành viên trong đoàn Lạng Sơn cùng các chiến sỹ trên dảo Trường Sa đọc Báo Lạng Sơn
Tôi nhanh chân theo chuyến xuồng đầu tiên cùng với các diễn viên đoàn văn công Cao Bằng. Vừa đặt chân lên đảo Đá Thị, chúng tôi được chào đón trong niềm hân hoan của các chiến sỹ, mỗi người khách đến thăm dường như mang theo hơi ấm từ đất liền tiếp thêm nguồn động lực mạnh mẽ cho những người lính nơi đây. Mới hơn 8 giờ sáng, mà nắng đã như đổ lửa, bỏng, rát như cào vào da vào thịt. Khi hỏi cuộc sống ở đảo ra sao, thiếu úy Nguyễn Hải Thanh, cười xòa, anh chỉ tay vào dòng chữ: “Thao trường đổ sức, đồng đội không đổ máu”… Quả thực, đến điểm đảo cũng vậy, tất cả các thành viên trong đoàn công tác đều cảm nhận, hiểu rõ hơn những vất vả và ý chí, nghị lực, bản lĩnh, tinh thần quyết thắng, kiên cường sáng tạo, chịu đựng gian khổ của cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ. Đại diện đoàn công tác, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Sau chuyến đi này, cán bộ, nhân viên Đoàn công tác số 12 sẽ có những hành động trên cương vị chức trách của mình để tham mưu cho Đảng, nhà nước, địa phương những nội dung biện pháp hiệu quả, góp phần xây dựng bảo vệ huyện đảo Trường Sa vững mạnh.
Đảo Trường Sa là điểm nhấn trong hành trình đến với Trường Sa lần này của Đoàn công tác số 12. Sau 6 ngày lênh đênh trên biển, các thành viên trong đoàn đã đặt chân lên thị trấn Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa lớn, tỉnh Khánh Hòa. Cùng với các hoạt động chung của đoàn, Đoàn công tác Lạng Sơn gồm 20 thành viên đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Đoàn đã dự lễ chào cờ cùng quân dân trên đảo và dâng hương Đài liệt sỹ, nhà tưởng niệm Bác Hồ, thắp hương tại chùa Trường Sa, viếng mộ liệt sỹ, thăm động viên các chiến sỹ, tặng quà các hộ dân, thăm các công trình văn hóa trên đảo, trồng cây lưu niệm và giao lưu văn nghệ với quân, dân thị trấn Trường Sa..
Thành viên đoàn Lạng Sơn chụp ảnh lưu niệm tại tàu Trường Sa 571
Điều ghi nhận rằng, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và nhân dân, huyện đảo Trường Sa hôm nay đã từng bước đổi thay cả về diện mạo và thế trận, hòa nhập cùng với sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, tình hình các vùng biển đảo của nước ta nói chung, nhất là khu vực biển trọng điểm Trường Sa, DK1 và cửa vịnh Bắc bộ vẫn chưa thực sự bình yên, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn khó lường, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đã và đang đặt ra ngày càng cao và nặng nề hơn. Tiến ra biển, làm chủ biển đảo và khai thác các nguồn lợi từ biển đang là một cơ hội, đồng thời cũng là một thách thức đối với cả dân tộc ta. Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi nhánh san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt. Cảm nghĩ về chuyến đi, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn công tác Lạng Sơn chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng cảm kích trước sự hy sinh vất vả của cán bộ, chiến sỹ ngày đêm canh giữ biển đảo xa xôi của Tổ quốc. Sau chuyến công tác, mỗi thành viên trong đoàn sẽ không ngừng tuyên truyền về biển đảo, góp phần cùng các đồng chí giữ vững biên cương hải đảo của Tổ quốc”.
Cảm xúc đầu tiên khi đến với đảo Trường Sa, đó là mỗi thành viên đoàn công tác đều vô cùng mừng rỡ. Mừng vì thấy Trường Sa của chúng ta thực sự bề thế, vững chắc; quân dân chúng ta oai hùng, tinh nhuệ; dân của chúng ta kiên trì vượt khó bám biển đảo quê hương. Đến thăm trường học ở Trường Sa, thầy giáo Bành Hữu Tình ngồi nói chuyện với chúng tôi một lúc mà liên tục phải đứng dậy đáp ứng các yêu cầu dễ thương của mấy học trò. Thầy Tình cho biết: Trường này đặc biệt lắm, có 1 lớp gồm: 1 học sinh lớp bốn, 2 học sinh lớp hai và 2 cháu nhỏ lớp mẫu giáo.
Chị Trần Minh Cúc, một trong 7 hộ dân mới ra đảo được hơn 1 năm, nhanh nhảu khoe: Nhà tôi có 2 con gái hơn hai tuổi đang học mẫu giáo ở trường, “trộm vía” từ ngày ra Trường Sa cháu không ốm đau gì cả. Cuộc sống ở Trường Sa rất ổn định với gia đình chúng tôi.
Hành trình đến với Trường Sa, để lại rất nhiều dấu ấn đối với Đoàn công tác số 12. Nếu như ngày đầu lên tàu, nhiều thành viên trong đoàn còn chưa hình dung được thế nào gọi là đảo nổi, đảo chìm, thì đến hôm nay ai cũng có những hiểu biết và cảm nhận thật sâu sắc về biển đảo quê hương; sự chia sẻ với những gian lao vất vả của cán bộ, chiến sỹ Trường Sa cũng rõ nét hơn trong suy nghĩ của mỗi thành viên đoàn công tác.
Ngay trước khi Đoàn công tác lên tàu Trường Sa 571, nhiều thành viên trong đoàn đã nói, trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều kỷ niệm, nhưng những ai đi Trường Sa thì kỷ niệm đó không phai mờ. Và có lẽ một trong những kỷ niệm không thể phai mờ trong chuyến đi lần này chính là những ngày được sống với những xúc cảm mạnh mẽ nơi biển đảo thiêng liêng. Dẫu rằng mỗi thành viên trong đoàn đến từ các tỉnh, thành, cơ quan, bộ ngành khác nhau, với những công việc khác nhau, nhưng cùng hướng về Trường Sa thân yêu và nhiều tâm tình đã được các thành viên trong đoàn chia sẻ, với nỗi niềm: “Cả nước vì trường Sa và Trường Sa vì Tổ quốc”. Chuyến tàu Trường Sa 571 hôm nay, tất cả chúng ta đã là đồng đội.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()