“Cẩm nang” về triết học cổ đại Trung Quốc
Thời Xuân Thu-Chiến Quốc là một trong những giai đoạn loạn lạc nhất của Trung Quốc. Các quốc gia gây chiến với nhau liên miên hàng trăm năm.
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn triết học Trung Quốc phát triển rực rỡ, huy hoàng, được người đời sau xưng tụng là “bách gia tranh minh” (nhà nhà đua nhau cất tiếng) với sự xuất hiện của những triết gia lớn, như: Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Hàn Phi Tử, Dương Tử… Những tư tưởng, học thuyết của các triết gia trên đã hình thành nên một nền triết học độc đáo, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, tác động lớn lao đến toàn bộ đời sống chính trị-kinh tế-xã hội Trung Quốc từ cổ đại cho đến ngày nay.
Do những hoàn cảnh, điều kiện về địa lý, lịch sử, học thuyết, tư tưởng của các triết gia cổ đại Trung Quốc cũng xuất hiện sớm ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp cận, tìm hiểu triết học cổ đại Trung Quốc đối với bạn đọc Việt Nam ở thời điểm hiện tại lại không dễ dàng, thậm chí còn khó khăn bởi sự đứt gãy về ngôn ngữ, văn hóa do sự chuyển đổi hệ hình chữ viết từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ trong thế kỷ 20. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều học giả đã dày công dịch và công bố những nghiên cứu về các tác phẩm triết học Trung Quốc cổ đại bằng chữ Quốc ngữ. Trong số các công trình ấy, không thể không kể đến bộ “Bách gia tranh minh” của học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984). “Bách gia tranh minh” do Nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản năm 2021, là tuyển tập 8 bộ sách bàn về 9 nhà triết học Trung Quốc cổ đại nổi tiếng của ông được viết trong nhiều năm khi còn tại thế, gồm: “Khổng Tử”, “Lão Tử”, “Trang Tử”, “Hàn Phi Tử”, “Liệt Tử và Dương Tử”, “Mặc Tử”, “Mạnh Tử”, “Tuân Tử”.
Ra mắt bộ sách “Bách gia tranh minh” của học giả Nguyễn Hiến Lê.Ảnh: MINH THU |
Trong bộ sách gần 2.000 trang, học giả Nguyễn Hiến Lê như một “hướng dẫn viên” tài năng, nhiệt tình, tận tâm dẫn dắt bạn đọc “tham quan” khu rừng triết học Trung Quốc cổ điển muôn màu muôn sắc một cách thuận lợi, nắm bắt được những điểm cốt lõi, chính yếu nhất trong hệ thống tư tưởng trừu tượng, phức tạp của các triết gia, tránh lạc lối, sa vào những tiểu tiết. Theo đó, chúng ta bắt gặp các khái niệm “đức trị”, “chính danh”, “quân tử”, “tiểu nhân”… của Khổng Tử; triết lý “vô vi” của Lão Tử; tư tưởng “kiêm ái”, “phi công” của Mặc Tử; cái thú “tiêu dao du” của Trang Tử; phép “trị quốc” của Hàn Phi Tử; quan niệm “tính ác” của Tuân Tử, chủ trương “vị ngã” của Dương Tử…
Các tư tưởng, học thuyết kể trên được học giả Nguyễn Hiến Lê trình bày bằng tất cả sự nghiêm cẩn trong khoa học của một nhà nghiên cứu hàng đầu. Với các trước tác như: “Nam hoa kinh”, “Đạo đức kinh”, “Xung hư chân kinh”… ông nêu rõ nguồn gốc nhằm tránh vấn đề ngụy thư, điều vốn thường xảy ra trong nghiên cứu thư tịch cổ; tiến hành so sánh, đối chiếu cẩn thận các bản dịch của các dịch giả với bản dịch của chính mình, nêu rõ ưu, nhược điểm của từng bản dịch. Trước khi nêu chủ kiến về các tư tưởng, học thuyết của các triết gia, ông tham khảo, nhận xét, đánh giá nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước một cách tường tận, khách quan.
Có thể nói, bằng sự công phu, kỹ lưỡng, bài bản và văn phong giản dị, mạch lạc mà sâu sắc, bộ “Bách gia tranh minh” của học giả Nguyễn Hiến Lê giúp bạn đọc có cái nhìn vừa khái quát, vừa cụ thể, vừa đồng đại, vừa lịch đại về triết học cổ đại Trung Quốc, thấy được ở trong đó quy luật vận động của trời đất, nguyên tắc xử thế của con người, phương pháp “tu tâm”, “rèn thân”, “dưỡng tính”. Với ý nghĩa ấy, “Bách gia tranh minh” không đơn thuần chỉ là một bộ sách, mà đó còn là chìa khóa giúp con người tìm thấy sự an nhiên trong nhịp sống hiện đại gấp gáp ngày nay.
Ý kiến ()