Cẩm nang “Trạm dừng chân của cảm xúc”: Giúp học sinh vượt qua cảm xúc tiêu cực
- Độ tuổi học sinh THPT là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về tâm sinh lý, ở thời điểm này các em phải đối mặt với những áp lực trong học tập, thi cử. Nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra sự căng thẳng, lo lắng, giảm tự tin của học sinh. Chính vì vậy, năm học 2022 – 2023, nhóm nghiên cứu Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh gồm cô Lý Ánh Ngọc, giáo viên môn Văn; cô Lành Hương Lan, giáo viên môn Sinh học và học sinh Long Tiến Thắng, lớp 12A2; Nông Mạnh Duy, lớp 10C1 đã nghiên cứu xây dựng cuốn cẩm nang “Trạm dừng chân của cảm xúc” nhằm giúp học sinh nhận biết và quản lý cảm xúc âm tính.
Sau 1 tuần nhập học, em H.T.M.H, học sinh lớp 10 (năm học 2022 - 2023) đã phải chia tay Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, em có tâm sự: Trong tuần đầu tiên em vừa học vừa sợ, sợ vì các bạn trong lớp nói tiếng Anh rất tốt nhưng em không hiểu chút nào. Em cảm thấy bất lực hoàn toàn vì không thể theo kịp các bạn nên quyết định gọi bố đến trường xin rút hồ sơ về quê học.
Với em D.T.D, học sinh lớp 12 lại căng thẳng vì sự kỳ vọng của gia đình, em là con một, bố mẹ đều là công chức nhà nước nên rất kỳ vọng em sẽ đỗ đại học. Trong quá trình ôn luyện, học tập nhiều lúc mệt mỏi mà em không dám ngủ vì thấy các bạn cùng lớp học khuya. Em sợ sẽ không đỗ được trường đại học như bố mẹ mong muốn.
Cảm xúc âm tính là cảm xúc buồn rầu, xấu hổ, tức giận, lo lắng... Nguyên nhân đến từ áp lực học tập, sợ không theo kịp các bạn trong lớp, trong phòng; những mối quan hệ với bạn bè, không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ... Quản lý, ứng phó những cảm xúc này càng sớm sẽ giúp các em không bị rơi vào cảm xúc tiêu cực, bệnh tâm lý nguy hiểm như tự kỉ, trầm cảm, hơn nữa là những hành vi tiêu cực.
Cô Lý Ánh Ngọc, giáo viên môn Văn, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh (năm học 2022 – 2023), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Khảo sát trên 630 học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh cho thấy, 3 cảm xúc âm tính mà học sinh thường gặp nhất là: Buồn bã (38,2%); lo âu (40,7%), tức giận (10,4%). Với cảm xúc lo âu, có 17,2% ở mức lo âu nặng và 21,9 % ở mức lo âu rất nặng, một số học sinh có nguy cơ trầm cảm. Để ứng phó với cảm xúc âm tính bên cạnh cách làm có tác dụng tích cực như tâm sự với người thân, thư giãn, hoạt động thể chất, nhiều em chọn giải pháp tiêu cực như trốn tránh, tự xoa dịu bản thân không lành mạnh, tự làm hại bản thân.
Cuốn cẩm nang “Trạm dừng chân của cảm xúc” được thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt với 2 chương, trong đó chương 1 cung cấp thông tin về cảm xúc, quản lý cảm xúc, vai trò của cảm xúc đối với học sinh; chương 2 giúp học sinh hình thành những kỹ năng trong quản lý cảm xúc như: Nhận diện cảm xúc, kiểm soát cảm xúc và điều chỉnh cảm xúc. Với từng mục, học sinh được trải nghiệm những cảm xúc của chính mình, được thực hiện những thử thách, hướng dẫn kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc. Một số nội dung của ấn phẩm được mã hóa bằng Qrcode giúp học sinh khám phá, một số đường dẫn (link) bài hát, truyện cười… để giải tỏa cảm xúc ngay tại thời điểm đó.
Để giúp học sinh sử dụng cuốn cẩm nang Trạm dừng chân của cảm xúc một cách tiện lợi, bên cạnh bản in trên giấy, nhóm còn thiết kế sách điện tử, cho phép tất cả học sinh trên phạm vi toàn tỉnh trải nghiệm. Trên bản điện tử, nhóm đã dành nhiều thời gian để huấn luyện và đưa trí tuệ nhân tạo vào tư vấn, hỗ trợ học sinh có cảm xúc âm tính. Điều này giúp học sinh cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ về các cảm xúc của mình một cách tự nhiên, thoải mái, từ đó, các em có thể tìm ra giải pháp thích hợp để quản lý cảm xúc của mình. Bên cạnh đó, nhóm cũng xây dựng trang fan page Trạm dừng chân của cảm xúc, nhóm tư vấn chuyên sâu Cùng bạn vượt khó gồm một số giáo viên và những học sinh tích cực trong học tập, rèn luyện nhằm tạo nên một cộng đồng hỗ trợ học sinh có cảm xúc âm tính vượt qua những khó khăn về tâm lý, học tập, rèn luyện.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực nghiệm nội dung cuốn cẩm nang “Trạm dừng chân của cảm xúc” trên 10 học sinh một số trường THPT có biểu hiện cảm xúc âm tính gồm: Buồn bã, lo âu, tức giận. Kết quả cho thấy sau 1 tuần 10/10 học sinh đều có sự thay đổi về cảm xúc. Cụ thể, những cảm xúc âm tính của các em đã được cải thiện và nâng dần lên thành cảm xúc dương tính, không còn lo âu, buồn bã hay giận giữ. Quan sát thấy các em đã hòa nhập, hòa nhã với bạn bè, tham gia tích cực hoạt động của trường lớp.
Bạn T.T.K.C, học sinh lớp 10, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Đây là lần đầu em xa nhà và lâu đến như vậy, chỉ cần ai đó vô tình nói về gia đình cũng khiến em rơi nước mắt nhớ nhà. Nhờ có cuốn cẩm nang này em đã hiểu rõ vấn đề, tích cực hơn, lạc quan hơn. Đến nay em đã vui vẻ trở lại, tích cực học tập, cũng như tham gia các hoạt động của lớp, ký túc xá.
Tại cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn năm 2023, cẩm nang “Trạm dừng chân của cảm xúc” vượt qua hàng chục sản phẩm, dự án tại vòng chung kết và đạt giải khuyến khích. Ấn phẩm cũng đạt giải ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2022 – 2023; giải nhì trong cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tin rằng thời gian tới, ấn phẩm “Trạm dừng chân của cảm xúc” sẽ được đông đảo học sinh biết đến và sử dụng để quản lý cảm xúc của bản thân.
Ý kiến ()