Cam kết hay không cam kết?
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD thêm 1%, đồng thời điều chỉnh tăng biên độ giao dịch tỷ giá từ /- 2% lên /- 3%, một số bài viết trên các trang thông tin điện tử đã dùng từ “thất hứa” hay “phá vỡ cam kết” để nói về quyết định “chưa từng có tiền lệ” này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, hành động của NHNN là một “bước đi quyết đoán”, “chủ động”, “hợp lý” và “đặt lợi ích quốc gia lên trên hết để bảo đảm an ninh tiền tệ”. Rõ ràng là khi NHNN, cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia – một lĩnh vực có tính nhạy cảm và đề cao yếu tố lòng tin, đã phải điều chỉnh mục tiêu cùng với những tuyên bố trước đó của mình, chắc hẳn là phải có lý do chính đáng cùng với những tính toán kỹ lưỡng.
Mặc dù vậy, những biến động của tỷ giá cùng các tác động của nó tới nền kinh tế lại vô cùng rộng lớn, phức tạp và không phải lúc nào cũng có thể nhận biết được kết quả ngay lập tức. Những dự tính của NHNN là đúng hay sai ? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Và một trong những yếu tố tạo nên sự phức tạp và bất định đó chính là kỳ vọng của thị trường. NHNN có thể nghĩ rằng, sau khi để tỷ giá tăng mạnh, kỳ vọng của thị trường về các đợt điều chỉnh tỷ giá tiếp theo sẽ bị triệt tiêu, hiện tượng găm giữ USD, vì thế, sẽ bị suy yếu và tỷ giá sẽ được giữ ổn định ở một mặt bằng giá mới. Nhưng thị trường có thể có toan tính khác. Các nhà đầu cơ có thể cho rằng, một khi NHNN đã phá vỡ cam kết một lần, họ có thể sẽ làm điều đó lần thứ hai. Điểm mấu chốt là phải cho NHNN một “lý do chính đáng” để thực hiện việc này. Nếu thị trường thực sự nghĩ vậy, tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ không giảm mà còn tăng lên. Các đợt đầu cơ ngoại tệ sẽ vẫn tiếp tục mỗi khi các “lý do chính đáng” xuất hiện như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nâng lãi suất hay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) chuẩn bị tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ.
Vậy NHNN có thể làm gì trong tình huống này?
Lựa chọn thứ nhất là tiếp tục điều chỉnh tỷ giá để thoả mãn lòng tham vô tận của thị trường. Nhưng nếu NHNN cứ tiếp tục nhượng bộ và các đợt điều chỉnh tỷ giá trở nên thường xuyên hơn, làn sóng đầu cơ USD sẽ lan rộng, tình trạng đô la hoá sẽ gia tăng, mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên và đà phục hồi của nền kinh tế sẽ bị chặn lại. Để tránh kịch bản này, NHNN chỉ có lựa chọn thứ hai là tiếp tục cam kết sẽ ổn định tỷ giá. Đây là điều trước sau cũng phải làm. Vì vậy, các cam kết đưa ra càng sớm càng tốt, khi số lượng người mất lòng tin vào NHNN còn chưa nhiều. Các cam kết càng mạnh mẽ bao nhiêu, tác dụng của nó cũng sẽ càng tốt bấy nhiêu.
Nhưng sau khi đã bị “thất hứa” một lần, lòng tin của thị trường chỉ có thể quay trở lại, khi NHNN tung các đồng USD can thiệp với quy mô lớn để khuất phục các nhà đầu cơ tuân theo ý chí chủ quan của mình. Giờ đây, thị trường sẽ không nghe những gì NHNN nói, mà chỉ theo dõi những gì NHNN làm. Tóm lại, để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi, thị trường ngoại hối cần ổn định để phục vụ cho mục tiêu hạ mặt bằng lãi suất. Nhưng thị trường ngoại hối sẽ chỉ ổn định khi có một cái neo. Vậy ai sẽ là người thả neo, nếu không phải NHNN?
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()