Cam go "cuộc chiến" chống hạn tại Gia Lai
Sông khô, hồ cạn, cây trồng chết héo, người dân lao đao vì nguồn nước cạn kiệt … - đó là tình trạng hạn hán mà hàng trăm hộ dân tại tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt. Chính quyền cùng người dân đã và đang chung sức chống hạn, nhưng mọi biện pháp cũng chỉ mang tính chất... “cầm chừng”.
Gia Lai đồng khô, cỏ cháy
Về vùng “rốn hạn” làng Ring 1, Ring 2, xã HBông, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) trong những ngày này mới thấm thía được nỗi vất vả của người dân khi thiếu nước sinh hoạt. Trẻ con vốn dĩ đã đen lại càng đen hơn khi nhiều ngày chưa được tắm. Người lớn chấp nhận giặt quần áo tại các ao nước tưới cây trồng đang “ngấp nghé” cạn đáy. Giếng làng đã khô khốc từ mấy tháng nay, bà con trong làng phải canh nước cả ngày mới lấy được vài lít. Giờ đây, hơn 100 hộ dân trong làng chỉ trông chờ vào nguồn nước cứu trợ từ chính quyền và các lực lượng vũ trang.
Chị Kso Hoen (làng Ring 2, xã HBông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) chia sẻ trong tiếng thở dài: “Nhà mình có 4 người con, mới xin được 1 can nước để uống vậy đó. Con mình 2 ngày rồi chưa được tắm, bẩn lắm, tội lắm! Ở đây không có nước, giếng làng khô hết rồi!”.
Ông KPă Oh – Trưởng làng Ring 1,đồng thời là Phó Bí thư Đảng ủy xã HBông, huyện Chư Sê đã bỏ ra hơn 12 triệu đồng để khoan giếng nhưng không thành. Ông cho biết: “Tôi thuê người khoan giếng mỗi mét phải trả 400 ngàn đồng, nhưng khoan gần 60m vẫn không có nước, nên phải dừng lại. Vì không có nước nên số tiền khoan giếng tôi và thợ khoan mỗi bên chịu 50%”. Giờ trong làng không có ai dám khoan giếng nữa”.
Người dân giặt đồ tại hồ nước bẩn vì không có nước.
Không riêng gì xã HBông, huyện Chư sê mà các nơi khác như: Huyện Đắc Đoa, huyện Chư Pưh, huyện Chư Prông, huyện Kbang, thị xã An Khê… cũng đang trong tình trạng quay quắt vì khô nước.
Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn tỉnh Gia Lai đã có 13.500 ha cây trồng bị khô hạn, trong đó khoảng gần 3.000 ha lúa, màu đã mất trắng; trên 4.000 ha cà phê, 1.300 ha hồ tiêu bị thiếu nước tưới và có nguy cơ bị chết cháy. Tỉnh có 340 hồ, đập cung cấp nước tưới cho 54.684 ha cây trồng, nhưng hiện nay, mực nước ở các hồ chỉ còn lại 1/3 so với trung bình nhiều năm và hậu quả là nhiều diện tích cây trồng không còn nước để tưới, ước tính thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng. Riêng vùng “rốn hạn” xã HBông (huyện Chư Sê), tính đến hết tháng 3/2016, có hơn 1.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, gần 200 ha diện tích cây trồng vụ Đông Xuân bị hạn, trong đó gần 25 ha cà phê, hồ tiêu, lúa, rau màu… mất trắng.
Huy động mọi giải pháp, nỗ lực chống hạn
Gia Lai đang đứng trong mùa hạn hán khốc liệt nhất trong lịch sử. Mọi giải pháp chống hạn đã và đang được thực hiện. Từ đầu mùa khô, đối với nước sản xuất, người dân đã sử dụng máy bơm của gia đình để bơm nước từ các khe suối, ao, hồ trữ lại và đào giếng để bổ sung nước phục vụ tưới tiêu, trồng các loại cây trồng chịu hạn cao kết hợp các biện pháp tưới nước tiết kiệm như: Phun mưa, tưới nhỏ giọt, tận dụng lại tối đa mọi nguồn nước. Hiện nay, càng gần vào cuối mùa khô, hạn hán càng nghiêm trọng. Các huyện như: Đắk Đoa, Đức Cơ, Kbang và Mang Yang, Chư Sê các diện tích trồng lúa, cà phê, tiêu thiếu nước tưới trầm trọng, mọi biện pháp đều không hiệu quả.
Người dân tìm nhiều biện pháp đào, khoan giếng nhưng vẫn không đủ nước, đành “khóc ròng” trước nắng hạn. Những hộ dân canh tác lúa theo nước trời thì càng điêu đứng hơn khi mấy tháng liền không có mưa.
Chị Kpăh Lam (làng Koeng, xã HBông, huyện Chư Sê ) đang canh tác 4 sào lúa nhìn cảnh đất khô nứt nẻ mà ngao ngán: “ Mình đi làm đất để khi nào trời mưa xuống thì trồng lúa nhưng đất khô quá, làm không được. Cả vùng đây ai cũng như mình. Mấy năm thời điểm này đã có mưa rồi sao năm nay chưa thấy mưa”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã HBông (huyện Chư sê) Đoàn Văn Tùng cho biết: “Hiện tất cả các giếng khoan trên địa bàn xã đều không đủ nước. Nước sinh hoạt cũng không có chưa dám nói đến nước sản xuất. Địa phương đã triển khai mua 11 bồn nước 2m 3cho 11 làng trong xã, đồng thời sử dụng 1 bồn Inox loại 19m 3của công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên hỗ trợ và 12 bồn của các năm trước để chứa nước sạch cho bà con sinh hoạt tạm”.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, lượng mưa năm 2015 trên địa bàn tỉnh thiếu hụt, phổ biến từ 20-30% so với trung bình nhiều năm. Hiện dòng chảy trên các sông, suối đang có xu thế giảm mạnh, đặc biệt dòng sông B, đoạn chảy qua thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai thiếu hụt tới 40-60%, gây khó khăn trong sản xuất và đời sống cho người dân.
Trước tình hình khô hạn, trong thời gian qua UBND tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình hạn hán, phòng, chống cháy rừng và trực tiếp chỉ đạo việc triển khai các biện pháp chống hạn trên địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế tác động tiêu cực của hạn hán gây ra. Hiện các vùng bị hạn hán đã dùng ngân sách hỗ trợ mua 238 tấn gạo cứu đói cho 1.891 hộ mất mùa, còn lại đề nghị tỉnh và Trung ương hỗ trợ khoảng 1.510 tấn gạo. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng Quân đội đóng quân trên địa bàn như: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Quân Đoàn 3… chở nước uống lẫn nước tưới xuống tận nơi “cứu khát” cho những vùng “tâm hạn”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Hăn Niên chỉ đạo: Theo dự báo, tình hình khô hạn tiếp tục diễn ra trên diện rộng và rất khốc liệt nên cần nghiên cứu triển khai các giải pháp chống hạn hiệu quả; quản lý tốt công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh nguồn nước. Về lâu dài, các sở, ngành và địa phương cần phải triển khai các biện pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Trước tình hình nắng hạn kéo dài như hiện nay, “cuộc chiến” chống hạn của người dân Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung vẫn còn rất cam go. Mọi biện pháp chống hạn đã và đang được triển khai song chưa thực sự hữu hiệu, còn mang tính tạm thời.
Việc ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra là vấn đề cực kỳ cấp bách không chỉ của một địa phương nhỏ lẻ mà là của nhiều tỉnh, đòi hỏi sự chung tay vào cuôc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()