Từ Nha Trang (Khánh Hòa), các thầy cô giáo đã quyên góp được 20 triệu đồng để ủng hộ những đồng nghiệp khó khăn ở rốn lũ Can Lộc (Hà Tĩnh). Nhưng ngay sau buổi sáng nhận được tin mừng này, đến trưa, lũ lại tràn vào Nha Trang, gây thiệt hại về người và của.
|
Các em mầm non phải chơi đồ chơi xếp hình từ những mẩu gỗ lượm được. Khi phóng viên đến, các em giành nhau đồ chơi làm gỗ xước vào tay. |
Ông Trần Đình Sửu, Trưởng phòng Giáo dục huyện Can Lộc đã gửi lời cảm ơn đến Phòng Giáo dục Nha Trang, đề nghị để lại 20 triệu đồng đó giúp đỡ những thầy cô giáo ở Nha Trang.
Hai bên cứ nhường nhau mãi số tiền 20 triệu đồng, chỉ khi Nha Trang thông báo đã có kế hoạch trợ giúp thầy cô giáo đang gặp khó khăn của thành phố, Can Lộc mới yên tâm để nhận về số tiền đó. Thầy Nguyễn Sỹ Toàn, giáo viên Trường THCS Xuân Lộc thì còn nhớ mãi câu chuyện về nhóm người dân từ Nam Định vượt hàng trăm kilomet đến xã, có cả những cụ già đã ngoài 70 tuổi.
Khi đi, đoàn mang theo quà cứu trợ nhưng số tiền ít ỏi, không thể thuê xe riêng đành đi nhờ xe của đoàn công giáo. Đến khi về, đoàn lại bị lỡ mất chuyến xe khách cuối cùng. Vậy là chiều tối hôm đó, đoàn đành đi nhờ xe thùng chở hàng.
Ngay sau khi trận lũ thứ nhất vừa dứt, UNICEF đã gửi tới Bộ GD-ĐT học cụ, thiết bị dạy học giá 2 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Qúy cấp tập lên đường vào Hà Tĩnh mang theo quà động viên giáo viên, học sinh nơi đây nhưng chưa kịp mang số hàng này. Vài ngày sau, lũ lại ào tới. Trong buổi gặp lại các tổ chức quốc tế để bàn chuyện kế hoạch cứu trợ dài hơi sau đợt đi khảo sát ở Quảng Bình về, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục phó Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) nói vui: “Trong cái rủi lại có cái may, bởi nếu mang toàn bộ hàng đi cứu trợ lúc đó, sẽ bị lũ cuốn trôi sạch”.
Hàng ngàn học sinh có nguy cơ bỏ học
Một thực tế chúng tôi ghi nhận trong chuyến đi tới các trường học vùng lũ đầu tuần này, có trường tiểu học được tài trợ vài trăm triệu tiền mặt và quà cáp vì có tên trên báo chí. Các đoàn tài trợ đã đụng nhau ở cùng một trường, trong khi đến những nơi khác, nhiều hiệu trưởng đã rớm nước mắt vì chẳng có ai “ngó ngàng” hoặc chỉ nhận được chút quần áo, sách vở.
Bà Lê Hương ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết “bản thân chúng tôi cũng từng rất lúng túng khi lựa chọn địa điểm cứu trợ và gặp phải trường hợp khi đến nơi thì gặp vài ba đơn vị khác đang phát quà nên lại phải quay ra địa điểm khác”.
|
Trường mầm non Sơn Mỹ phơi sách học sinh và giáo viên sau những ngày ngập trong nước lũ. |
Trong chuyến đi thực tế các địa phương khó khăn nhất hồi cuối tháng 10 ở Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng đã từng gặp trường hợp có địa điểm được “tập kết” nhiều hàng cứu trợ, trong khi các trường chưa được “điểm danh” qua báo chí, bước chân các nhà hảo tâm cũng chưa kịp đặt tới.
Thống kê của ngành giáo dục về thiệt hại sau lũ là hơn 700 tỷ đồng, trong đó, Hà Tĩnh nặng nhất với hơn 400 tỷ đồng, tiếp đến là Quảng Bình (hơn 200 tỷ đồng), rồi Nghệ An.
Bà Nghĩa cho biết, hiện nay, mục tiêu trước mắt của ngành giáo dục là kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ để đáp ứng đủ SGK, sách giáo viên, tài liệu tham khảo và các thiết bị dạy học tối thiểu. Kế đến là quần áo ấm, chăn màn cho học sinh đón mùa đông. Về kế hoạch dài hơi, Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp số liệu để đề xuất với Chính phủ có biện pháp hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và tổ chức quốc tế đầu tư đối với các thiệt hại lớn về cơ sở vật chất, trường học.
Nhiều hiệu trưởng ở huyện Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh), Tuyên Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, thiệt hại nặng nề nhất của nhà trường trong đợt lũ chính là thiết bị dạy học ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS. Những đồ dùng giảng dạy như máy chiếu, tranh ảnh, bản đồ, bộ ghép vần, bộ thực hành Toán, Tiếng Việt, các loại hoá chất thí nghiệm…đã bị lũ làm hư hại hết.
Ngoài những thiệt hại có thể tính được, ông Nguyễn Kế Thân, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình lo sau học kỳ này, các trường sẽ vơi bớt học sinh do gia cảnh khó khăn, sẽ bỏ học sau lũ. Con số này ở Quảng Bình khoảng 2.500 em.
V ề lại Hà Tĩnhnhững ngày đầu tháng 11, những con đường đã gần hết bùn đất, các lớp học đã sạch sẽ trở lại, nhưng nỗi khổ âm thầm vẫn theo chân các em đến trường. Chưa bao giờ có cảnh nhà trường không dám thu tiền học phí và thu tiền ăn bán trú của học sinh như bây giờ, bởi, từ thầy cô giáo đến gia đình học trò, hoa màu và những của cải có thể bán được đã bị cuốn trôi gần hết. Có trường tiểu học, s ố tiền ăn bán trú phải chỉ có 2.000 đồng mỗi ngày, nhưng hiện tại, chưa ai đóng, vì gia đình học sinh đều bị ngập sâu trong lũ.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, về kế hoạch tổng thể, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc điều chỉnh các nguồn vốn để có thể tăng đầu tư cho các địa phương vùng lũ. Còn mọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm, từ quần áo, hay chăn màn…đều đáng quý.
Bà lưu ý các đơn vị tổ chức cứu trợ, ngoài việc đến tận nơi để trao, có thể phản hồi lại với đơn vị quản lý như Phòng GD, Sở GD-ĐT địa phương hay Bộ GD-ĐT, giúp các cơ quan này nắm được thông tin để hỗ trợ tốt hơn việc điều phối tới các cơ sở.
Bà cũng cho biết thêm, các trường mầm non là những địa điểm cần sự hảo tâm hơn cả, bởi bậc học này hiện chưa có dự án đầu tư quốc gia nào.
Ý kiến ()