Cải tổ quốc phòng - chiến lược của Nhật Bản
Bộ 3 tài liệu chiến lược công bố tháng 12/2022 cho thấy Tokyo đang tăng cường chi tiêu vào việc dự trữ đạn dược, bảo dưỡng, củng cố và chuẩn bị sẵn sàng cho các khu căn cứ, cũng như thực hiện các khoản đầu tư mới trên mọi lĩnh vực.
6 bài học then chốt mà Nhật Bản rút ra được từ những thực tế hiện tại: Sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài; đảm bảo bố trí hậu cần đầy đủ; khả năng thiện chiến của quân lính; trợ giúp những cuộc chiến diện rộng; sử dụng trang thiết bị không người lái và giữ vững ý chí chiến đấu.
Bước đầu tiên trong việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài là dự trữ và bố trí vật tư then chốt như nhiên liệu, linh kiện, trang thiết bị, quân nhu và vật tư y tế ở gần các đơn vị cần chúng. Kinh nghiệm từ Ukraine cũng cho thấy Nhật Bản nên ưu tiên đảm bảo các thiết bị và đơn vị luôn ở trạng thái sẵn sàng cao độ. Có lẽ bài học quan trọng nhất là cần đảm bảo đầy đủ dự trữ đạn dược ở gần những vị trí có các đơn vị chiến đấu.
Trong tài liệu Chiến lược phòng thủ quốc gia năm 2022, Nhật Bản đã xác định rõ tầm quan trong của việc tăng cường dự trữ đạn dược, nhưng vẫn không biết liệu Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đánh giá chừng nào là đủ? Điều này sẽ giúp xác định là liệu Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang chuẩn bị cho hình thức xung đột nào?
Đảm bảo bố trí hậu cần đầy đủ đặt ra vấn đề về cách thức mà Nhật Bản dự định áp dụng để tìm kiếm nguồn quân nhu quan trọng khi cần thiết trong trường hợp các kho dự trữ và vật tư của họ bắt đầu cạn kiệt. Bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến Nhật Bản sẽ ngay lập tức liên quan tới tuyến đường hậu cần trải dài nhiều hòn đảo cách nhau vài trăm, đôi khi là vài nghìn dặm trên biển. Cho dù chiến đấu trên lãnh thổ của mình, sẽ luôn có những khu căn cứ, kho dự trữ và vật tư ở đâu đó gần đấy – nhưng “đâu đó gần đấy” lại có thể bị ngăn cách bởi những ngọn núi hay đại dương lớn. Trong thời bình, Nhật Bản có xu hướng dựa vào các phương tiện thương mại để tăng cường khả năng vận chuyển vật tư và trang thiết bị cho JSDF. Điều này tạo ra các lỗ hổng lớn và vấn đề pháp lý tiềm ẩn trong khoảng thời gian trước khi xảy ra khủng hoảng, chưa kể khi khủng hoảng thực sự xảy ra.
Việc đảm bảo có đủ năng lực và khả năng vận chuyển nhanh chóng đạn dược, nhiên liệu và vật tư đến nơi cần đến trong trường hợp bất ngờ là điều then chốt với bất kỳ lực lượng quân sự nào, trong bất kỳ cuộc chiến nào. Mặc dù lựa chọn dân sự có khả năng bù đắp sự thiếu hụt, nhưng việc sử dụng chúng trong xung đột sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Mặc dù các lực lượng Nhật Bản có vài thập kỷ kinh nghiệm trong việc ứng phó với thảm họa thì kinh nghiệm liên quan đến thực chiến chỉ dừng lại ở các cuộc tập trận và huấn luyện. JSDF được cho là không thường xuyên thực hiện các cuộc tập trận hay huấn luyện thực tế. Một số cuộc tập trận cần thiết cho việc chuẩn bị chiến đấu ở cấp độ cao, như huấn luyện tên lửa còn thậm chí không thể diễn ra trên đất Nhật Bản do những cân nhắc về chính trị trong nước.
Các tuyên bố chung gần đây đã xác định “huấn luyện và tập trận thực tiễn” là lĩnh vực trọng tâm của quân đội Nhật Bản cũng như các liên minh mà họ tham gia. Với những trang thiết bị tinh vi và kế hoạch mua sắm thêm trong nhiều năm tới của JSDF, Nhật Bản đang muốn cải thiện chất lượng, huấn luyện thực tế để xây dựng năng lực cũng như đào tạo lãnh đạo cấp dưới và hạ sĩ quan để đưa ra những quyết định trên chiến trường và nắm thế chủ động. Kế hoạch thành lập một cơ quan đầu não phối hợp thường trực cũng cho thấy tính quan trọng của việc phối hợp.
Ngoài việc sẵn sàng chiến đấu, một câu hỏi cơ bản hơn đối với giới lãnh đạo Nhật Bản là họ thấy mình đóng vai trò gì trong một tình huống bất ngờ ở nơi khác? Vấn đề này có liên quan đến khung pháp lý, và ngược lại, sẽ ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ của các quốc gia đồng minh một khi đất nước Nhật Bản có chuyện xảy ra.
Một trong những bài học được rút ra từ cuộc chiến Nga – Ukraine không chỉ là việc cả hai phe sử dụng rộng rãi các thiết bị không người lái, mà là cách thức sử dụng sáng tạo các thiết bị này. Người Ukraine đã cho thấy họ rất giỏi trong việc tạo ra các phần mềm xác định mục tiêu và các cải tiến khác trên chiến trường mà binh lính có thể dễ dàng sử dụng. Tất cả những điều này cho thấy tính hiệu quả của các hệ thống không người lái trong công tác tình báo, giám sát và trinh sát, tấn công quân sự và nhắm mục tiêu.
Trong bản Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản năm 2022, tầm quan trọng của việc phát triển các thiết bị không người lái được liệt kê là ưu tiên hàng đầu. Và, việc triển khai thành công thiết bị không người lái của Mỹ đến các căn cứ không quân Misawa, Yokota và Kanoya là bằng chứng cho thấy Tokyo ủng hộ các hoạt động tác chiến sử dụng thiết bị không người lái cỡ lớn được triển khai từ Nhật Bản. Nhưng, vẫn còn đó câu hỏi về cách mà Tokyo định sử dụng để phát huy năng lực không người lái khi nước này vẫn đang trong giai đoạn thăm dò công nghệ này.
Vấn đề cuối cùng, đó là trong một cuộc xung đột lớn, sự phá hủy trên diện rộng sẽ không nhất thiết chỉ hạn chế trong phạm vi các căn cứ của JSDF. Đối với các nhà hoạch định Nhật Bản, câu hỏi nên được đặt ra trước tiên là liệu hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại, vốn tập trung phần lớn xung quanh các căn cứ của JSDF và của Mỹ, có đủ để chống lại các cuộc tấn công dồn dập hay không. Vậy còn việc bảo vệ các trung tâm đông dân cư thì sao? Cho tới nay, phần lớn các cuộc tranh luận bàn về việc đáp trả tên lửa đều tập trung vào răn đe bằng ngăn chặn. Nhưng, ranh giới giữa sự ngăn chặn và phủ đầu đôi khi cũng không dễ để phân định và ý chí là một câu chuyện quan trọng lúc này.
Nguồn:https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/cai-to-quoc-phong-chien-luoc-cua-nhat-ban-i706647/
Ý kiến ()