Cải tiến kỹ thuật mở đường thở thứ 2, gây dính màng phổi: Nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân
LSO- Mở đường thở thứ 2, gây dính màng phổi là những cải tiến kỹ thuật được y, bác sỹ Khoa Khám bệnh Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn triển khai, áp dụng trong cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Những cải tiến này giúp kịp thời cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tràn khí màng phổi.
Tràn khí màng phổi là sự xuất hiện khí trong khoang màng phổi. Đây là bệnh xảy ra đột ngột, đòi hỏi phải xử trí nhanh để loại bỏ khí trong khoang màng phổi. Trường hợp tràn khí màng phổi cấp, lượng khí nhiều có thể dẫn đến suy hô hấp, nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Mục tiêu điều trị là hút hết khí ra khỏi khoang màng phổi làm cho phổi nở lại hoàn toàn và phòng ngừa tái phát. Để điều trị tràn khí màng phổi, y, bác sỹ thường theo dõi và cho thở ôxy; cắt bỏ xương ức qua đường giữa với phương pháp phẫu thuật 2 bên. Với trường hợp bệnh nhân tái phát, điều trị bằng các phương pháp trên không hiệu quả thì gây dính màng phổi bằng chất hóa học.
Bác sỹ Nông Việt Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Phổi cho biết: Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân chúng tôi đã có 2 cải tiến là mở thông 1 đường thở mới và kéo dài thời gian gây dính. Với biến chứng phổi không liền, trước đây thường dùng bột tan hoặc tetacilin để gây dính. Bắt đầu từ năm 2010 nhiều quốc gia trên thế giới đã thay thế các chất này bằng Polyvidon, đây là chất dùng để sát trùng, sẵn có và chi phí thấp. Qua theo dõi quá trình thực hiện nhận thấy chất này cho hiệu quả điều trị rất tốt để gây dính màng phổi, các y, bác sỹ đã bắt tay vào thử nghiệm điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo quy trình hướng dẫn thì hiệu quả mang lại không cao, thời gian 2 giờ không đủ để gây dính màng phổi. Vì vậy, các y, bác sỹ tiến hành kéo dài thời gian gây dính lên hơn 2 giờ.
Bác sỹ Nông Việt Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Phổi chăm sóc bệnh nhân
Theo bác sỹ Dũng, gây dính màng phổi là kỹ thuật tương đối khó, yêu cầu bác sỹ thực hiện phải có kiến thức chuyên môn và tay nghề cao. Quá trình thực hiện phải lăn, vần bệnh nhân cho dịch tráng đều lên màng phổi khiến bệnh nhân bị đau và mệt. Nếu không thành công bệnh nhân sẽ phải thực hiện nhiều lần. Sau khi kéo dài thời gian gây dính, kết quả đạt được ngoài mong đợi, bệnh nhân chỉ phải thực hiện 1 lần là thành công tránh trường hợp thất bại phải làm đi làm lại nhiều lần.
Đơn cử như trường hợp ông Nông Văn Đoàn (xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc) nhập viện trong tình trạng tràn khí màng phổi. Ông được điều trị bằng phương pháp dẫn lưu khí trong 1 tuần nhưng phổi không liền. Các y, bác sỹ đã sử dụng phương pháp gây dính để gắn màng phổi vùng bị tràn khí. Sau hơn 2 giờ thực hiện phương pháp này, phần tràn khí được dính liền, bệnh nhân không phải chuyển tuyến.
Với kỹ thuật mở thông 1 đường thở mới, theo quy trình các bác sỹ phải bơm thẳng hóa chất vào ống dẫn lưu, nhiều trường hợp ống dẫn lưu không thể kẹp được. Kỹ thuật kẹp bắt buộc phải mất đến 2 giờ, trong khi bệnh nhân buộc phải dẫn lưu liên tục chứ không thể dừng lại được. Khi kẹp, nếu quá 5 phút bệnh nhân sẽ tức ngực, khó thở đây chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị tràn khí màng phổi. Các bác sỹ Khoa Khám bệnh Hồi sức Cấp cứu cải tiến phương pháp này bằng cách mở thêm 1 đường thở mới để có thể dẫn dịch và khí ra, đưa hóa chất vào đảm bảo chức năng hô hấp cho người bệnh.
Với việc cải tiến kỹ thuật này, hiệu quả điều trị các ca tràn khí màng phổi được nâng lên thấy rõ. Nếu như trước đây mỗi năm có trên 30 bệnh nhân thất bại ở phương pháp điều trị này phải chuyển sang phương pháp gây dính thì đến nay hầu như không còn bệnh nhân nào. Những năm trước đây, việc điều trị cho bệnh nhân tràn khí màng phổi rất khó khăn hầu hết phải chuyển lên tuyến trên nhưng đến nay bệnh viện có thể tự thực hiện.
Bác sỹ Dũng cho biết thêm: Sau khi cải tiến các phương pháp này và đạt được hiệu quả cao trong điều trị, tôi đã đề xuất với lãnh đạo bệnh viện mở rộng áp dụng và triển khai chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà mình có được cho các y, bác sỹ trẻ trong khoa. Đến nay, khoa đã có 4 bác sỹ trẻ có thể thực hiện các kỹ thuật này. Trước đây, bệnh nhân tràn khí màng phổi nếu không được xử trí nhanh thì rất dễ tử vong, hoặc phải chuyển tuyến trên, thì nay 100% người bệnh được cấp cứu và điều trị thành công tại bệnh viện.
Ý kiến ()