Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em
(LSO) – Trong những năm qua, ngành y tế tỉnh luôn tăng cường phối hợp với các cấp, các ban, ngành, đoàn thể triển khai những giải pháp đồng bộ để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em. Nhờ đó, đến nay, tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn được cải thiện đáng kể.
Theo đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ bị SDD, đặc biệt là thể thấp còi trong 2 năm đầu đời có nguy cơ gây ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến phát triển sức khỏe, trí tuệ, khả năng học tập của trẻ, nguy hiểm hơn, SDD có thể gây tử vong ở trẻ.
Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều tổ chức thực hiện Chương trình bổ sung Vitamin A cho trẻ em và phụ nữ sau sinh trong “Ngày vi chất dinh dưỡng” (2 đợt/năm vào tháng 6 và tháng 12) được triển khai đồng loạt tại 226/226 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Năm 2018, qua đợt I Chương trình bổ sung Vitamin A, tỷ lệ số trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi được uống Vitamin A đạt 99,6%, số bà mẹ sau sinh 1 tháng được uống Vitamin A là 3.536 người… Qua đó, góp phần giảm tỷ SDD trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh ước tính từ 0,3 đến 1%/ năm.
Ngày vi chất dinh dưỡng hằng năm thực sự trở thành “Ngày hội đưa trẻ đi uống Vitamin A” trên địa bàn tỉnh. Chị Triệu Thị Thu Vân, thôn Thịnh Hòa, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng cho biết: Con trai tôi 3 tháng tuổi được đi uống Vitamin A tại trạm y tế xã và được các y, bác sỹ hướng dẫn cách phòng chống các dịch bệnh trẻ em thường mắc, đặc biệt là cách chế biến các món ăn đơn giản, đủ chất để phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Con tôi khỏe mạnh, phát triển tốt không bị SDD.
Các cô nuôi Trường Mầm non 19-5, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn tham gia hội thi nấu ăn giỏi cấp trường năm 2017
Cùng với thực hiện các dự án, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra cơ sở thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, các hoạt động theo sự chỉ đạo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, như: cân, đo trẻ, thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, bà mẹ mang thai… Bác sĩ Dương Thị Vinh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Việc thực hiện cân trẻ dưới 5 tuổi được triển khai nghiêm túc tại 226 trạm y tế, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từ đầu năm đến hết tháng 8/2018, tổng số trẻ dưới 5 tuổi được cân là 66.784/67.687 trẻ. Ngoài ra, trung tâm đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho cán bộ điều tra tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em với 20 học viên tham gia.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ trẻ em bị SDD theo 2 thể nhẹ cân và thấp còi trên địa bàn tỉnh giảm dần theo từng năm. Theo số liệu công bố của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2000: tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị SDD thể nhẹ cân của tỉnh là 38,1%; tỷ lệ trẻ em SDD thể thấp còi 46,5%. Đến năm 2016, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị SDD thể nhẹ cân của tỉnh đã giảm xuống còn 18,5%; tỷ lệ trẻ em SDD thể thấp còi 26,4%; như vậy, đã giảm 19,6% số trẻ dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân và giảm 20,1% trẻ dưới 5 tuổi SDD thể thấp còi qua 16 năm.
Những con số về SDD trẻ em dưới 5 tuổi tuy có giảm, nhưng vẫn còn là thách thức rất lớn đối với ngành chức năng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD ở trẻ em như: kiến thức dinh dưỡng của bà mẹ chưa đầy đủ, điều kiện kinh tế của các gia đình khu vực vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động truyền thông tại y tế tuyến cơ sở thiếu nguồn lực, kinh phí nên nhận thức về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em còn hạn chế.
Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn tỉnh cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành y tế, cũng như các hội, đoàn thể trên địa bàn cần có kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về dinh dưỡng theo từng giai đoạn đạt hiệu quả. Đặc biệt, cần tăng cường nguồn lực, ngân sách cho hoạt động truyền thông và các hoạt động dinh dưỡng tại cộng đồng cho y tế tuyến cơ sở để góp phần cải thiện tầm vóc và trí tuệ của thế hệ tương lai của đất nước.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()