Cải thiện sức mua trên thị trường
Sau Tết Nguyên đán, mặc dù nhiều doanh nghiệp (DN), siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mại lớn và kéo dài nhằm kích cầu nhưng sức mua vẫn yếu, doanh thu giảm mạnh. Tại các chợ truyền thống, các mặt hàng thiết yếu cũng trong tình trạng ế ẩm.
Sau Tết Nguyên đán, mặc dù nhiều doanh nghiệp (DN), siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mại lớn và kéo dài nhằm kích cầu nhưng sức mua vẫn yếu, doanh thu giảm mạnh. Tại các chợ truyền thống, các mặt hàng thiết yếu cũng trong tình trạng ế ẩm.
Ế ẩm hàng hóa
Đã quá nửa buổi chiều nhưng sạp thịt bò của chị Nguyễn Thị Nga, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) vẫn còn đầy sạp. Vừa sốt ruột ngóng khách, chị Nga vừa lắc đầu cho biết: “Chưa thấy năm nào Tết ra lại bán chậm như năm nay, khi lượng hàng nhập về hằng ngày đã giảm tới 30% – 40% so với trước Tết mà chợ vẫn ế”.
Cũng chung tình trạng tương tự, quầy hàng rau xanh của chị Trịnh Thị Loan tại chợ Thành Công (Hà Nội) cũng thưa thớt khách mua, dù đang trong giờ cao điểm đi chợ của người tiêu dùng. Chị Loan cho biết: “So với mọi năm, người mua hàng giảm đi một nửa, lượng mua cũng ít đi. Chả biết do thời tiết bất lợi, giá rau tăng cao hay do người dân tiết kiệm tiêu dùng, khiến hàng ế nhiều”.
Những ngày gần đây, giá một số loại rau có mức tăng đột biến như rau cải ngọt tăng từ 6.000 đồng lên tới 21 nghìn đồng/kg, rau cải xanh từ 10 nghìn đồng lên tới 23 nghìn đồng/kg, súp lơ từ 5.000 đồng tăng lên 15 nghìn đồng/cây…
Giá rau tăng cao khiến sức mua của người dân càng giảm.
Tại các chợ truyền thống Hà Nội, lượng hàng nhập về các chợ đã giảm đi chỉ bằng 70% so với mọi năm, nhưng tiểu thương vẫn lo vắng khách và ế hàng. Đây là tình trạng chung tại các chợ truyền thống trên địa bàn cả nước. Và không riêng loại hình chợ truyền thống mà tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, sức mua cũng tương tự.
Dạo quanh một số siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Big C, Hapromart, Ocean mart, Co.op mart… những ngày qua có thể thấy, tuy vào thời điểm cuối tuần, giờ cao điểm mua sắm nhưng lượng người mua hàng không đông và không khí mua sắm khá trầm lặng.
Để tăng doanh thu, ngay từ những tháng đầu năm 2014, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị, đã tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, giảm giá từ 10 đến 50% một số mặt hàng nhằm kích cầu mua sắm nhưng mức tiêu thụ vẫn không cao. Chị Lê Thị Tuyết, nhân viên thu ngân tại siêu thị Big C cho biết: “Mặc dù là cuối tuần nhưng lượng người đến mua sắm tại thời điểm này ít hơn nhiều so với mọi năm, siêu thị đã có những chương trình khuyến mại lớn nhưng khách hàng vẫn không mấy mặn mà”.
Chi tiêu tiết kiệm hơn
Quan sát người mua hàng cho thấy, xu hướng tiêu dùng tập trung vào các nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày như thực phẩm tươi sống, với số lượng vừa đủ, không còn tâm lý mua số lượng lớn để dự trữ sử dụng dần như trước đây. Các nhóm hàng tiêu dùng không thường xuyên như quần áo, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, giày dép ít được lựa chọn. Mặt khác, việc mua sắm của khách hàng được tính toán, chọn lọc một cách kỹ càng hơn. Sản phẩm nào bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu và uy tín, nhất là có giá thành hợp lý mới được người dân lựa chọn.
Tại siêu thị Big C, bác Đỗ Ngọc Mai – giáo viên về hưu sống tại phố Ngọc Khánh (Hà Nội) than thở: “Kinh tế khó khăn, gia đình lại đông người nên tôi phải rất cân nhắc trong việc chi tiêu, mua sắm. Trước đây, mỗi bữa nhà tôi thường mua ba lạng thịt bò, nhưng nay phải giảm xuống hai lạng, ngoài ra, chỉ chọn những thực phẩm không quá đắt tiền để tiết kiệm chi tiêu hằng ngày.
Tuy nhiên, thực phẩm vẫn phải sạch sẽ, an toàn”. Cùng chung tâm lý đó, chị Tô Linh, nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Ngày trước đi siêu thị, thấy có khuyến mại giảm giá tôi thường mua rất nhiều, thích gì mua đó. Nhiều khi phóng tay hơi quá, tiêu đến vài triệu đồng. Nhưng nay tôi phải giảm bớt chi tiêu, chỉ chọn mua những mặt hàng thực phẩm thiết yếu”.
Tình hình sức mua trên thị trường diễn biến theo xu hướng giảm, buộc các đơn vị bán lẻ, siêu thị phải tìm cách kích cầu tiêu dùng, cân đối tình hình kinh doanh để giảm giá thành sản phẩm và tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Họ đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, hình thức khuyến mại cũng đa dạng hơn như giảm giá, tặng quà, tặng phiếu mua hàng, dịch vụ giao hàng miễn phí… để thu hút khách hàng.
Cơ cấu lại mặt hàng trong siêu thị để sát với nhu cầu thực tế của người dân, chú trọng các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng hằng ngày như thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng… Đây là biện pháp nhằm đối phó với tình hình khó khăn chung của thị trường.
Một báo cáo mới đây của Khối nghiên cứu Ngân hàng HSBC đã chỉ ra: Ngoài chi tiêu vào thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình, phần lớn người Việt Nam đã cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết như quần áo và đồ dùng gia đình. HSBC phân tích, số liệu lạm phát tháng 2 thấp hơn dự báo cho thấy, các hoạt động kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi yếu tố lòng tin của người tiêu dùng. Lý giải lạm phát tháng 2 năm nay tăng rất thấp so với cùng kỳ những năm trước, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân là do nhu cầu tăng không cao như năm trước, người dân chỉ tập trung vào những mặt hàng cần thiết, chứ không mua sắm tràn lan như trước đây. Điều này cho thấy, người dân ngày càng chi tiêu tính toán, tiết kiệm, hiệu quả và thông minh hơn. Bên cạnh đó, mức tăng thu nhập cũng không cao như mọi năm khiến người dân phải cân nhắc và chi tiêu tiết kiệm hơn.
Nhằm cải thiện sức mua, giữ chân được khách hàng, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa… cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng phục vụ để thu hút khách hàng. Việc giảm giá, khuyến mại chỉ là biện pháp trước mắt nhằm giải phóng hàng tồn kho, quay vòng vốn hoạt động, còn giải pháp cốt lõi là nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, cơ cấu lại tổ chức sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Sức mua trên thị trường còn phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý chi tiêu của người dân. Người dân sẽ không còn “thắt lưng buộc bụng” khi niềm tin tiêu dùng quay trở lại cùng với tình hình kinh tế được cải thiện rõ nét.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, người dân có ý thức tiết kiệm, cân nhắc hơn trong chi tiêu. Những năm trước, dịp Tết và sau Tết Nguyên đán, giá cả tiêu dùng có tình trạng lập mặt bằng giá mới cao hơn ngày thường. Nhưng từ năm 2013 và đặc biệt từ Tết Nguyên đán 2014, giá cả tiêu dùng trở lại bình thường, không xảy ra hiện tượng tăng giá, lập mặt bằng giá mới nhờ kiểm soát được cung cầu thị trường dịp Tết, Nhà nước tổ chức hiệu quả Chương trình bình ổn giá nên không xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá… Đây là điều tốt cho thị trường phát triển.
TS VÕ VĂN QUYỀN Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương)
“Bức tranh tiêu dùng hiện nay rất ảm đạm. Doanh số bán hàng tháng Tết năm 2014 chỉ tăng 7% so với tháng 12-2013, trong khi có năm “hoàng kim” con số này lên tới 15%-20%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, là do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc giảm ca, kíp…
thu nhập thực tế của người lao động ngày càng giảm, trong khi giá cả thị trường lại ngày càng tăng. Thứ hai,do hệ thống phân phối chưa hoàn thiện, nhiều nơi thiếu hàng, tạo cơ hội cho hàng giả chen vào, gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng. Thứ ba,do một số mặt hàng có chu kỳ sử dụng dài, như ti-vi, tủ lạnh…, nên xuất hiện một giai đoạn bão hòa là bình thường. Một nguyên nhân nữa là do lo ngại các vấn đề về sức khỏe nên người dân có tâm lý cẩn trọng trong tiêu dùng, chi tiêu tiết kiệm hơn. Để cải thiện sức mua, DN cần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Bên cạnh đó, tăng sức mua bằng cách tăng thu nhập, tạo việc làm, giảm thất nghiệp. Đồng thời hoàn thiện hệ thống phân phối, tổ chức tốt khâu bán hàng để sản phẩm không phải qua nhiều khâu trung gian đội giá thành”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()