Cải thiện sự minh bạch và thống nhất trong việc ban hành các quyết định hành chính
Trong 2 ngày 16 - 17/7, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính (QĐHC). Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10/2015, được kỳ vọng sẽ cải thiện sự minh bạch và thống nhất trong việc ban hành các QĐHC.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, việc ban hành luật này nhằm thiết lập trật tự ban hành QĐHC thông qua việc quy định các nguyên tắc cơ bản về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC, bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của QĐHC, tính minh bạch, công khai, khách quan của quá trình ban hành QĐHC và tính chuyên nghiệp của nền hành chính hiện đại qua đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời không gây khó khăn hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước; bảo đảm tính linh hoạt, liên tục và hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Dự thảo Luật gồm 6 chương, 50 điều quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc ban hành QĐHC; hình thức, nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày của QĐHC; ngôn ngữ của QĐHC; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức là đối tượng thi hành QĐHC; trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành QĐHC; những hành vi bị nghiêm cấm; giám sát, kiểm tra, xử lý QĐHC; áp dụng pháp luật trong việc ban hành QĐHC.
Hội thảo góp ý dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính. (Ảnh: TH). |
Tuy nhiên, Luật này không áp dụng đối với việc ban hành các QĐHC nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước; quyết định khen thưởng; quyết định xử lý vi phạm hành chính; QĐHC về giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vụ việc cạnh tranh và trong hoạt động tố tụng; QĐHC thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Về chủ thể ban hành QĐHC, hiện có hai loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật này chỉ nên điều chỉnh đối với QĐHC do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành và không nên điều chỉnh đối với QĐHC do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, chủ thể ban hành QĐHC theo quy định của Luật này phải bao gồm tất cả các cơ quan nhà nước (tư pháp, lập pháp, hành pháp) và cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tư pháp nhất trí với loại ý kiến thứ nhất, do vậy Dự thảo đang được thiết kế theo loại ý kiến này. Theo lý giải của Ban soạn thảo là do trên thực tế, số lượng QĐHC do Chính phủ ban hành là rất hãn hữu; còn Thủ tướng Chính phủ ban hành phần lớn là các QĐHC tác động đến một nhóm đối tượng, có ít QĐHC tác động ra bên ngoài và hướng đến một cá nhân, tổ chức cụ thể. Việc loại trừ này cũng nhằm bảo đảm đúng vai trò, vị trí, chức năng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung điều hành, mang tính chính sách và quyết định những vấn đề có tính chất quan trọng, vĩ mô, liên quan đến quản lý, điều hành chung của nền hành chính quốc gia theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Hơn nữa, cũng phù hợp với các đạo luật khác có liên quan như Luật khiếu nại, Luật tố tụng hành chính (không điều chỉnh các QĐHC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành luật này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nếu phạm vi điều chỉnh loại trừ không áp dụng đối với các QĐHC nội bộ, như vậy Quyết định kỷ luật sẽ nằm ở đâu, ở quyết đinh nội bộ hay quyết định khen thưởng?. Theo đó, đề nghị “Nên chăng không không nên liệt kê từng loại QĐHC sẽ hợp lý hơn”.
Theo ông Nguyễn Quang Lộc, nguyên Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, tất cả các cơ quan có thẩm quyền ban hành QĐHC đều phải tuân thủ luật này. Nếu loại QĐHC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ra khỏi đối tượng điều chỉnh như phương án 1 dường như có sự “né tránh”, bởi đã là luật là phải thực hiện chung.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trác Trung, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho rằng, nên lựa chọn phương án 2 là hợp lý. Vì mục đích của chúng ta xây dựng luật này nhằm chấn chỉnh và lập lại việc ban hành các QĐHC, nếu người đứng đầu đơn vị cao nhất được loại trừ là không hợp lý.
Một số ý kiến cho rằng cần có sự kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý của việc ban hành quyết định hành chính của các cơ quan chuyên môn như tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp đối với QĐHC có liên quan đến lợi ích cộng đồngdo tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của loại quyết định này.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()