Cải thiện quyền lợi của lao động nữ
Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.
Là một trong các chế độ của chính sách BHXH bắt buộc, chế độ thai sản nhằm bảo đảm thu nhập trong thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, bên cạnh đó, còn giúp thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và con, bảo đảm quyền được chăm sóc của trẻ em. Chính vì vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã quan tâm đến lao động nữ thông qua việc có quy định riêng một mục trong chương V đối với người tham gia BHXH bắt buộc.
Trong đó, có các quy định về đối tượng, điều kiện hưởng chế độ thai sản; chế độ hưởng khi khám thai, đình chỉ thai nghén, sinh con; chế độ đối với người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ; chế độ với người nhận nuôi con nuôi; chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản và quy định trình tự, thủ tục giải quyết các chế độ cho người lao động. Tại chương VI đối với người tham gia BHXH tự nguyện, quy định đối tượng, mức hưởng, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp thai sản. Ðây là những quy định hết sức nhân văn và cần thiết để hỗ trợ lao động nữ thực hiện thiên chức của mình để chăm lo tốt nhất cho những đứa trẻ mới sinh. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định một số chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thực của lao động nữ như: chế độ ốm đau, chế độ nghỉ khi con ốm, các chính sách về BHXH một lần, chế độ hưu trí, tử tuất...
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa năm lần, mỗi lần từ một đến hai ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình đề xuất, nên sửa đổi mức nghỉ năm ngày để khám thai thành mức tối thiểu và bổ sung mức tối đa là chín ngày, tương ứng với việc khám thai mỗi tháng một lần trong suốt thai kỳ. Bởi trên thực tế, chu kỳ thai sản của con người là chín tháng 10 ngày, chưa kể khi mang thai đến tháng thứ bảy, là thời điểm cần tái khám để theo dõi thai nhi cho đến khi sinh con được an toàn.
Việc dự thảo luật quy định năm lần cho một chu kỳ thai sản là chưa thật sự phù hợp thực tế, do đó, Chủ tịch Công đoàn Y tế đề nghị bổ sung thời gian nghỉ việc đi khám thai trong một chu kỳ thai sản là chín lần, nhằm tạo điều kiện và kích thích quá trình tái tạo sức lao động của lao động nữ nói riêng, người dân nói chung.
Liên quan đến quy định về thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ sau sinh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng Phạm Thu Thưởng đề nghị, tăng thời gian nghỉ với trường hợp sinh đôi lên bốn tháng, so với dự thảo quy định nghỉ hai tháng. Về mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, dự thảo Luật quy định mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 540 nghìn đồng. Nên chuyển hóa số tiền thành tỷ lệ % trên mức lương cơ sở, hoặc tính trên mức đóng của người tham gia BHXH sẽ phù hợp, vì khi ban hành luật sẽ có lộ trình thực hiện trong nhiều năm, cũng như chính phủ tăng mức lương tối thiểu vùng theo từng năm.
Một vấn đề không chỉ lao động nữ quan tâm mà cả lao động nam đó là, quy định thời gian lao động nam nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con. Khi cơ thể người phụ nữ sau sinh còn chưa hồi phục, rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người chồng để bảo đảm sức khỏe của cả mẹ lẫn con, góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật BHXH đang quy định mức nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con, tùy từng trường hợp là chưa sát với thực tế.
Trên thực tế, tỷ lệ lao động nhập cư đông, nhiều vợ chồng trẻ thuê nhà, khi sinh con thu nhập không đủ để thuê người giúp việc, bố mẹ hai bên ở xa không có điều kiện chăm sóc. Việc tăng thời gian của lao động nam tham gia BHXH khi vợ sinh con (trong khoảng 60 ngày sau khi người vợ sinh) giúp người chồng có điều kiện chăm sóc vợ, con, phù hợp mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc.
Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 và công bố của Cục Dân số (Bộ Y tế) trong những năm gần đây cho thấy, 21 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung ở khu vực Ðông Nam Bộ, Ðồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung có mức sinh rất thấp và đang phải thực hiện các giải pháp khuyến sinh. Tại các tỉnh, thành phố nêu trên là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp dệt may đóng trên địa bàn.
Do đó, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Dệt May Việt Nam Nguyễn Thanh Hoàn đề xuất, việc sửa đổi bổ sung các quy định về chế độ nghỉ khi con ốm đau, chế độ thai sản cho lao động nữ như: Tăng số lần nghỉ khám thai, bổ sung quy định cho lao động nữ hưởng chế độ thai sản khi phải nghỉ việc dài ngày điều trị hiếm muộn có thể xem là những giải pháp khuyến sinh, nhằm bảo đảm “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” như thông điệp chính sách dân số.
Trao đổi với các chuyên gia lao động, công đoàn cho thấy một thực tế, trong thụ hưởng chính sách BHXH vẫn còn khoảng cách lớn giữa hai giới, nhất là những năm gần đây, chênh lệch ngày càng lớn hơn. Khoảng cách giới trong thụ hưởng chế độ BHXH càng lớn xuất phát từ việc nhiều phụ nữ rút BHXH trong giai đoạn mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.
Do vậy, Luật sửa đổi lần này cần hướng tới mục tiêu khỏa lấp những khoảng trống khác biệt giới, nhằm rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng BHXH giữa phụ nữ và nam giới. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ngoài những nội dung chung, những quy định đặc thù cho nữ, bảo vệ nữ, bảo đảm bình đẳng giới là rất quan trọng, bởi lao động nữ là đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là vấn đề về thai sản, nghỉ hưu, BHXH một lần.
Ý kiến ()