Cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Nỗ lực từng chỉ số
(LSO) – Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI) do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, Lạng Sơn đứng ở vị trí thứ 50 trên 63 tỉnh thành, tăng 3 bậc so với năm 2017.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhật, Tư vấn trưởng nhóm tư vấn thiết kế xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong năm 2018, tỉnh Lạng Sơn đã có bước chuyển vững chắc trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên bảng xếp hạng toàn quốc. Qua số liệu của nhóm nghiên cứu phân tích, điểm số trong bảng xếp hạng của tỉnh đã tăng hơn 10 điểm. Cụ thể, từ mức 49 điểm cách đây 8 năm, đến năm 2018 điểm số trong bảng xếp hạng toàn quốc của tỉnh đã đạt 61,7 điểm.
Phân nhóm theo độ lệch chuẩn của điểm số PCI so với giá trị trung bình trong giai đoạn đánh giá, Lạng Sơn thoát khỏi nhóm điều hành kinh tế ở mức tương đối thấp, vươn lên nhóm có điều hành kinh tế ở mức trung bình. Với những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc cải thiện từng chỉ số, dự báo trong năm tiếp theo, điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Lạng Sơn sẽ còn tiếp tục được cải thiện.
Tư vấn trưởng nhóm tư vấn thiết kế xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành tập huấn lập kế hoạch cho các sở, ngành và các địa phương năm 2019
Qua tìm hiểu tài liệu và tổng hợp kết quả điểm số đối với 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh do VCCI tổng hợp trong giai đoạn 2014 – 2018 cho thấy, điểm số của từng chỉ số được cải thiện vững chắc theo thời gian.
Trong 10 chỉ số thành phần gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, thì điểm số trung bình của 10 chỉ số đã tăng từ 55,05 điểm (năm 2014) lên 61,7 điểm (năm 2018).
Nhiều chỉ số năm 2014 có điểm số rất thấp đã được cải thiện vượt bậc. Cụ thể như: chỉ số chi phí không chính thức, năm 2014 điểm số chỉ đạt 3,95 điểm, đến năm 2018 chỉ số này đã đạt điểm số 5,55; chỉ số tiếp cận đất đai, năm 2014 điểm số là 4,41, năm 2018 đạt 6,02 điểm; chỉ số tính năng động của chính quyền tăng từ 4,14 điểm năm 2014 lên 5,51 điểm năm 2018.
Kết quả này khẳng định, những năm gần đây Lạng Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh có hiệu quả từ tỉnh, các sở, ngành đến UBND các huyện, thành phố. Một trong những giải pháp được doanh nghiệp đánh giá cao chính là người đứng đầu các cấp, ngành thường xuyên lắng nghe ý kiến cũng như tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; gắn với đó là siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với đội ngũ cán bộ trong thực thi công vụ.
Từ những nỗ lực của cả hệ thống đã tác động rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngày càng tin tưởng vào phương pháp điều hành của chính quyền. Điều này đã thể hiện rõ ở điểm số của các chỉ số thành phần PCI năm 2018; số doanh nghiệp dân doanh của tỉnh tham gia khảo sát năm 2018 đạt tới hơn 1.400 đơn vị cao nhất từ trước tới nay.
Bà Phùng Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bước sang năm 2019, môi trường sản xuất kinh doanh giữa các tỉnh tiếp tục có sự cạnh tranh khắc nghiệt để cải thiện bảng xếp hạng. Do vậy, đối với tỉnh Lạng Sơn còn nhiều việc phải làm, hiện sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cụ thể là tiếp tục tập trung chỉ đạo cải thiện điểm số đối với tất cả các chỉ số. Trong đó, đặc biệt chú ý tới những chỉ số có điểm số còn thấp như: chi phí thời gian, chi phí không chính thức và hỗ trợ doanh nghiệp. Làm tốt điều này cũng chính là nâng cao chất lượng điều hành kinh tế – xã hội của tỉnh, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh theo hướng chính quyền đồng hành với người dân và doanh nghiệp, từng bước tạo lòng tin cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.
TRANG NINH
Ý kiến ()