Cải thiện môi trường kinh doanh để khôi phục sự năng động của nền kinh tế
Ngày 3/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2012 với chủ đề “Khôi phục sự năng động của nền kinh tế”.Đây là kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2012. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến.Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Thời gian qua, các bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với nhóm công tác VBF để giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, điều này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năm 2012, đã có 20 cuộc họp của các bộ, ngành với nhóm công tác, nhiều vấn đề nóng được thảo luận, góp ý thẳng thắn, kỹ lưỡng trên tinh thần xây dựng, như các vấn đề về ngân hàng, thị trường...
Ngày 3/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2012 với chủ đề “Khôi phục sự năng động của nền kinh tế”. Đây là kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2012. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến. |
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Thời gian qua, các bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với nhóm công tác VBF để giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, điều này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năm 2012, đã có 20 cuộc họp của các bộ, ngành với nhóm công tác, nhiều vấn đề nóng được thảo luận, góp ý thẳng thắn, kỹ lưỡng trên tinh thần xây dựng, như các vấn đề về ngân hàng, thị trường vốn, đất đai, lao động, luật đầu tư, luật doanh nghiệp, chính sách thuế, kết cấu hạ tầng… Nhiều ý kiến được các bộ, ngành cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như việc điều hành giúp giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
Khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp tại VBF, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nêu rõ: Kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt việc quản lý giá, quản lý thị trường đối với một số mặt hàng chưa tốt đã tác động tiêu cực đến đời sống người dân, hàng tồn kho tuy đã giảm ở một số ngành, nhưng vẫn đang ở mức cao, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của một số doanh nghiệp còn hạn chế, thị trường bất động sản trầm lắng… Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp phù hợp và quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện để đạt mục tiêu kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, tạo đà cho sự phát triển các năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đang tập trung hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư công theo nguyên tắc không dàn trải, tập trung vào các dự án trọng điểm; đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội và đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước… song song với việc kiên định, nhất quán thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế – xã hội. Phó Thủ tướng cam kết, Chính phủ luôn luôn kề vai sát cánh, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc hoạch định chính sách phù hợp, sát với nhu cầu của các doanh nghiệp, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Cấp thiết cải thiện môi trường kinh doanh
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, song đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế, những chỉ số của Việt Nam về bảo vệ nhà đầu tư, thành lập, giải thể doanh nghiệp… vẫn tiếp tục là những điểm yếu cần khắc phục. Vì vậy, cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết những bất cập để tạo niềm tin cho nhà đầu tư đang là vấn đề mang tính cấp thiết.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Keiko Sato, Giám đốc điều phối danh mục đầu tư và hoạt động dự án Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam đã có thay đổi kinh tế vĩ mô và đạt được những kết quả như: bình ổn được nền kinh tế, lạm phát giảm, thâm hụt cán cân vãng lai giảm, đồng tiền Việt Nam ổn định, nâng cao dự trữ ngoại hối, tăng trưởng tín dụng còn hơn 14% và tiếp tục giảm trong năm 2013, vấn đề thâm hụt ngân sách cũng giảm mạnh… Tuy nhiên, thể chế quản lý chưa theo kịp sự thay đổi của nền kinh tế, vì vậy Việt Nam cần thay đổi quản lý công, chi tiêu công không hiệu quả và giảm gánh nặng về chi phí ngày càng tăng, thu hút lực lượng lao động có kỹ năng… để đóng góp vào sự khôi phục nền kinh tế năng động của Việt Nam.
Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: Muốn hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững có sức cạnh tranh toàn cầu, Chính phủ Việt Nam phải nỗ lực giải quyết vấn đề giá cả, vai trò của doanh nghiệp nhà nước và quyền sở hữu trí tuệ, nếu không điều này sẽ tạo ra sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư và nguồn vốn FDI sẽ vẫn ở mức hạn chế.
Hiện mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đang xuống rất thấp, vì vậy để hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị: Chính phủ cần triển khai chương trình đồng bộ xoay quanh các vấn đề cải cách thể chế và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế mà không bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn. Chính phủ cần đưa ra thông điệp về sự kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và nhất quán trong cải cách thể chế để các doanh nghiệp có niềm tin và định hướng đầu tư trong dài hạn. Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Nhà nước cần giảm gánh nặng về thuế, phí và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là vấn đề xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20% phù hợp với xu thế hiện tại một số nước trong khu vực và cũng là cách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp.
Để cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Kim Jung In, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần phân loại thuế suất chi tiết hơn, bên cạnh đó Chính phủ cần phân biệt rõ giữa hoạt động phân phối thông thường và giao dịch sản xuất hàng hóa để thúc đẩy xuất khẩu cũng như tiếp sức cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ngoài ra, để tránh trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định của cơ quan quản lý đối với các dự án đầu tư xây dựng, cũng như để có hướng dẫn nhất quán cho nhà đầu tư nước ngoài, cần đảm bảo sự đồng bộ giữa các luật để nhà đầu tư dễ tiếp cận.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()