Cải thiện môi trường đầu tư: Bứt phá, vươn tầm cao mới (kỳ 2)
Kỳ II. Quyết liệt hành động
– Việc ban hành các nghị quyết chuyên đề không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền mà còn đặt nền móng vững chắc để hiện thực hóa khát vọng đưa Lạng Sơn bứt phá trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các nghị quyết chuyên đề về xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, từng bước tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
“Luồng gió mới” từ nghị quyết chuyên đề
Thực hiện các nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từ năm 2011 đến nay, Lạng Sơn tập trung huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế như các tuyến đường phục vụ xuất nhập khẩu, hệ thống cửa khẩu số, hạ tầng bến bãi; các tuyến đường kết nối như cao tốc, tuyến đường ra cửa khẩu. Tỉnh cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đất đai; mời gọi các doanh nghiệp lớn đến với tỉnh… Từ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét qua từng năm và từng giai đoạn.
Cụ thể: giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách do doanh nghiệp và người dân đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 35,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đạt 111% so với mục tiêu Nghị quyết 06; giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 66 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đạt mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra.
Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020, chỉ số PCI của Lạng Sơn đã có bước cải thiện cả về điểm số và thứ hạng; năm 2020 đạt 62,43 điểm, tăng 6,14 điểm và xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2016.
Từ những kết quả đạt được, nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngày 23/8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TU “Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025” với 4 mục tiêu cụ thể, 10 giải pháp nhiệm vụ trọng tâm. Việc ban hành Nghị quyết số 43 có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới.
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 43-NQ/TU “Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025”
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành 4 kế hoạch, các sở, ngành ban hành 15 kế hoạch; 11/11 huyện, thành phố ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện Nghị quyết 43.
Cùng đó, UBND tỉnh ban hành 2 quyết định về việc thành lập 2 tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng và 13 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành lập tổ hỗ trợ thủ tục đầu tư theo Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 7/7/2022 của HĐND tỉnh.
Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT khẳng định: Sở KH&ĐT là cơ quan thường trực giúp việc cho các tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh và công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã được lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành, UBND các huyện thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách nhanh nhất, phù hợp với pháp luật đáp ứng được thời gian quy định và kỳ vọng của nhà đầu tư.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 9/2023, Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh đã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho 31 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Sở KH&ĐT phối hợp với các huyện, thành phố và các ngành liên quan đã tiếp nhận hồ sơ, khảo sát thực tế và thẩm định thực hiện được 510 lượt hồ sơ đề xuất dự án mới và điều chỉnh dự án đầu tư đối với 375 dự án của các nhà đầu tư. Các lĩnh vực được các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm như: đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; khu đô thị; sản xuất nông nghiệp; chế biến nông lâm sản… Tỉnh đã thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư mới được 56 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 12,2 nghìn tỷ đồng.
Song song với đó, công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp, dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh cũng được UBND tỉnh triển khai quyết liệt có hiệu quả. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 11/11/2022, về việc thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 20/9/2022 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai nhằm phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, hằng tháng, UBND tỉnh tổ chức họp định kỳ với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Kết quả từ năm 2021 đến hết tháng 9/2023, UBND tỉnh đã tổ chức họp xem xét giải quyết được 1.143 lượt trường hợp vướng mắc về hỗ trợ khác đối với công trình, vật kiến trúc xây dựng trên đất nông nghiệp của hơn 100 lượt dự án đầu tư. Từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công cũng như các dự án đầu tư ngoài ngân sách đang triển khai trên địa bàn. Một số dự án ngoài ngân sách được các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng như: dự án khách sạn, sân golf Hoàng Đồng; dự án khu đô thị Nam Hoàng Đồng mở rộng; dự án khu đô thị phía Đông và dự án khu đô thị phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ; dự án khu đô thị mới Hữu Lũng…
Ông Lô Thời Nhuận, Giám đốc Công ty Cổ phần hạ tầng Chi Lăng, chủ đầu tư dự án khu đô thị phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư gặp không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng. Với tinh thần chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND huyện Chi Lăng đã hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đất đai để dự án được triển khai theo kế hoạch. Nhờ đó, đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng được khoảng 8/19,8 ha và UBND tỉnh đã tạm giao đất để nhà triển khai thi công hạ tầng khu đô thị được gần 6 ha.
Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư
Bên cạnh việc tập trung hỗ trợ, tháo gỡ cho các doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, đất đai, mặt bằng, UBND tỉnh còn đổi mới phương thức đối thoại, tiếp xúc để lắng nghe doanh nghiệp phản ánh tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Nếu như giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh thường tổ chức các hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp tại tỉnh thì bước sang giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh và các sở, ngành đã đổi mới phương pháp tiếp xúc các doanh nghiệp là tổ chức tại từng huyện, thành phố với phương châm lắng nghe, cầu thị, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã ngay tại cơ sở.
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã tổ chức được 26 cuộc gặp gỡ đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp. Trong đó có 5 hội nghị tổ chức tại các huyện, thành phố; qua đó tiếp thu 295 lượt ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã và đã giải đáp, tháo gỡ ngay tại hội nghị đối với 195 ý kiến; giao các sở, ngành xem xét trả lời giải quyết 100 ý kiến.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2021 trở lại đây, việc đổi mới phương pháp đối thoại với doanh nghiệp thông qua tổ chức hội nghị theo nhóm các huyện, thành phố đã tạo cơ hội để đại diện nhiều doanh nghiệp được gặp gỡ, trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành. Khi người đứng đầu UBND tỉnh gặp mặt doanh nghiệp thì có sự tương tác trực tiếp; nhiều vấn đề của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh giải đáp; nhiều vướng mắc của doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời và chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị nghiên cứu tháo gỡ, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ký kết hợp tác với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam để nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh
Cũng từ sự quyết liệt hành động của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong việc lắng nghe ý kiến kiến nghị, hỗ trợ, tháo gỡ, giải quyết, khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các dự án đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp với tỉnh.
Kết quả thể hiện rõ nét nhất là chỉ số PCI năm 2021 và 2022 của tỉnh Lạng Sơn đã có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng toàn quốc. Cụ thể, năm 2021, Lạng Sơn đã từ vị trí 49 (năm 2020) vươn lên xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố và năm 2022, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục vươn lên vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đã góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội. Vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đóng góp vào kinh tế của tỉnh ngày càng được khẳng định. Năm 2022, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP của tỉnh chiếm khoảng 63,6% (năm 2020 là 63,13%).
Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 43, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 95,5 nghìn tỷ đồng, đạt 57,5% mục tiêu nghị quyết đề ra (mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 đạt 166 – 168 nghìn tỷ đồng); trong đó vốn ngoài ngân sách gần 87 nghìn tỷ đồng.
Biểu đồ: Tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn Lạng Sơn qua các giai đoạn
Nếu như đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 3.148 doanh nghiệp hoạt động với vốn đăng ký khoảng 27.000 tỷ đồng, có 646 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động thì đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 4.041 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 47.951 tỷ đồng, có 790 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động.
Theo Báo cáo số 756-BC/BCSĐ ngày 5/8/2023 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về Đề xuất giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hút đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016-2023, toàn tỉnh thu hút 194 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký là 42.277,9 tỷ đồng.-Tổng số dự án còn hiệu lực (sau khi thực hiện chấm dứt) từ năm 2016 đến nay là 178 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 40.602 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 14.229 ha. Trong đó:
Dự án của nhà đầu tư trong nước là 172 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 39.728 tỷ đồng Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 6 dự án với tổng vốn đăng ký là 874 tỷ đồng. |
Ý kiến ()