Cải thiện môi trường đầu tư: Bứt phá, vươn tầm cao mới (kỳ 1)
– Từ năm 2020 đến nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lạng Sơn có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thứ hạng. Đặc biệt, năm 2022, Lạng Sơn xuất sắc vươn lên vị trí 15/63 tỉnh, thành trên bảng xếp hạng PCI. Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong đó có vốn ngoài ngân sách không ngừng tăng. Không phải ngẫu nhiên mà Lạng Sơn có bước tiến vượt bậc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, đó là quá trình dài thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp với khát vọng đưa Lạng Sơn bứt phá mạnh mẽ.
Hoạt động bốc dỡ container xuất khẩu hàng hoá tại bãi xe Xuân Cương, Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Kỳ 1: Khát vọng vươn mình
Suốt một thời gian dài, Lạng Sơn nằm trong nhóm cuối bảng hoặc gần cuối bảng cả nước về xếp hạng chỉ số PCI, môi trường đầu tư kinh doanh chậm được cải thiện khiến Lạng Sơn chưa thu hút được nguồn lực đầu tư cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã thể hiện quyết tâm chính trị và thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với thực tiễn của tỉnh.
Là một tỉnh biên giới với nhiều tiềm năng, lợi thế, thế nhưng nhiều năm trước đây, Lạng Sơn chưa trở thành một “miền đất hứa”, hấp dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp bởi môi trường đầu tư kinh doanh chưa thuận lợi, thông thoáng.
Nhận diện rõ điều kiện thực tiễn và điểm nghẽn trong thu hút đầu tư
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc, ngoài những điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phong phú, Lạng Sơn còn có vị trí chiến lược quan trọng đối với vùng và cả nước. Với những lợi thế như: hệ thống cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ); hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt thuận lợi; gắn bó mật thiết với Khu tam giác kinh tế động lực Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; nằm trong Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là cầu nối quan trọng giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, Lạng Sơn có nhiều triển vọng trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của tiểu vùng Đông Bắc; vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, Lạng Sơn lại có xuất phát điểm thấp – là một tỉnh miền núi biên giới với những khó khăn đặc thù. Tỉnh có diện tích tự nhiên rộng nhưng không bằng phẳng, địa hình chia cắt mạnh, dân cư sinh sống không tập trung, trình độ dân trí thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế còn nhiều thiếu thốn… Cùng đó, mặc dù trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng nhưng sự chuyển dịch còn chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn còn thấp.
Lợi thế về đất đai, cửa khẩu, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá của các dân tộc, các đặc sản của địa phương chưa được khai thác có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Điều này làm cho môi trường đầu tư kinh doanh của Lạng Sơn chưa thực sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Năm 2006, lần đầu tiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện khảo sát xây dựng bộ chỉ số PCI đối với 63 tỉnh, thành trên cả nước. Đây được coi là một kênh thông tin tham khảo có uy tín, khách quan để đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của các tỉnh, thành phố.
Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng suốt từ năm 2006 đến năm 2020, Lạng Sơn luôn nằm trong nhóm thấp và rất thấp trên bảng xếp hạng PCI và thứ hạng dao động từ vị trí thứ 45 đến 59/63 tỉnh, thành. Trong gia đoạn này, chỉ có năm 2012, điểm số của Lạng Sơn được cải thiện đáng kể và xếp thứ 34/63 tỉnh, thành về chỉ số PCI (trong nhóm khá của cả nước).
Xếp hạng chỉ số PCI Lạng Sơn từ năm 2006-2022 (nguồn: VCCI)
Theo các báo cáo đánh giá về kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như phân tích chỉ số PCI qua các năm thì môi trường đầu tư kinh doanh của Lạng Sơn chưa hấp dẫn bởi công tác lập quy hoạch và chất lượng quy hoạch không cao; cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu; thiếu mặt bằng sạch cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực hỗ trợ ưu đãi đầu tư còn hạn chế…
Môi trường đầu tư kinh doanh chậm được cải thiện dẫn đến tốc độ tăng trưởng GRDP của Lạng Sơn trong giai đoạn 2011-2020 thấp hơn so với bình quân chung vùng trung du và miền núi phía Bắc và cả nước.
Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, GRDP của Lạng Sơn giai đoạn 2011-2020 là 5,32%, trong khi đó, GRDP của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc cả giai đoạn 2011-2020 đạt 8,15% và GRDP cả nước giai đoạn 2011-2020 là 6,91%. Quy mô kinh tế của tỉnh đến năm 2020 đứng thứ 54 trong tổng số 63 tỉnh, thành và tỷ trọng GRDP của tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc có xu hướng giảm tương ứng với giảm vị trí xếp hạng từ vị trí thứ 7/14 tỉnh năm 2010 xuống vị trí thứ 8/14 tỉnh năm 2020.
Ông Đoàn Bá Nhiên, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn nhận định: Những công việc mà doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chính quyền giải quyết trong quá trình thực hiện nghiên cứu đầu tư kinh doanh vào tỉnh mà doanh nghiệp không thể tự làm được là đất đai, mặt bằng thì Lạng Sơn hầu như chưa thực hiện được trong thời gian rất dài. Đây là yếu tố khá cốt lõi khiến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian qua.
Xây dựng nền móng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế, cấp uỷ, chính quyền tỉnh đã thể hiện quyết tâm chính trị và thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp thực tiễn của tỉnh theo từng giai đoạn.
Rõ nét nhất là từ năm 2011 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề về xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn.
Cụ thể: năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết 06 ngày 6/4/2011 về tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2015; năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19 ngày 11/7/2016 về tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 43 ngày 23/8/2021 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025.
Các nghị quyết chuyên đề đều nhấn mạnh mục tiêu tổng quát xuyên suốt là: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của chính quyền và sự tham gia của hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp huy động nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế; tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư; phát triển doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các nghị quyết cũng đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và từng giai đoạn phát triển.
Trên cơ sở các nghị quyết chuyên đề, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện; các sở, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố cũng xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành, đơn vị, địa phương; kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để từ đó thực hiện tốt hơn công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm tiếp theo.
Đặc biệt, hằng năm, sau khi VCCI công bố kết quả xếp hạng PCI, UBND tỉnh đều tổ chức họp bàn về tổng thể cũng như từng chỉ số thành phần, đánh giá những điểm mạnh, hạn chế và nguyên nhân của điểm số và thứ bậc của tỉnh trong bảng xếp hạng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, các huyện thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI, đồng thời đưa các nội dung về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vào công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.
Lắp ráp xe máy điện tại xưởng lắp ráp xe điện Công ty TNHH DK Việt-Nhật
Ông Nguyễn La Thông, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Lạng Sơn, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong những nhiệm kỳ gần đây, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành một số nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch tổng thể về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; các sở, ngành, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện. Từ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có nhiều cải thiện. Ví dụ như giai đoạn 2016-2020, Lạng Sơn đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Lạng Sơn tìm hiểu đầu tư vào địa bàn; một số dự án đã được triển khai và bước đầu có hiệu quả. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (trong đó có cải thiện chỉ số PCI); nổi bật là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Ý kiến ()