Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư
Sự tăng mạnh của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến nay cho thấy, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam vẫn cần cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nhằm duy trì sức cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Sự tăng mạnh của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến nay cho thấy, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam vẫn cần cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nhằm duy trì sức cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Theo báo cáo của Cục Ðầu tư nước ngoài, tổng vốn FDI đăng ký mới và mở rộng trong 11 tháng qua đã đạt mức 20,81 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký vào dự án mới là 13,77 tỷ USD và vốn đăng ký mở rộng là 7,03 tỷ USD. Mặc dù số vốn đăng ký này vẫn còn thua xa thời điểm năm 2008, khi mà tổng vốn FDI đăng ký đạt 76,4 tỷ USD nhưng con số trên đã vượt tổng số vốn đăng ký 19,9 tỷ USD của cả năm 2009. Dựa trên đà tăng trưởng hiện tại và các dự án đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục để nhận giấy chứng nhận đầu tư, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư nhận định số vốn FDI đăng ký trong năm nay sẽ vượt xa mức 20 tỷ USD.
Trong khi vốn đăng ký tăng cao, FDI giải ngân cũng tăng mạnh trong thời gian qua và đã đạt 10,55 tỷ USD, tăng 5,5 so với cùng kỳ năm trước. Một điều đáng chú ý là hầu hết vốn FDI trong năm nay đều đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong khi vốn đăng ký vào các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản chiếm tỷ lệ nhỏ. Bình luận về vấn đề này, ông E.Vích-to-ri-nô, chuyên gia phân tích kinh tế của Ngân hàng ANZ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, FDI đang là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Thực tế, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn 2009-2012 đã suy giảm nhiều do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế của Việt Nam. Một nguyên nhân nữa là do sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc thu hút dòng vốn FDI đang trở nên ngày càng gay gắt hơn. Tuy nhiên, khi vốn FDI vào Việt Nam tăng trở lại, đặc biệt là có sự góp mặt của các tập đoàn lớn như Nokia, Samsung hay LG, điều đó cho thấy Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, mới đây, Tập đoàn Samsung đã ký với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư một thỏa thuận về việc đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng khác như năng lượng, cơ sở hạ tầng hàng không, hóa chất và đóng tàu. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Forval Corporation (Nhật Bản) H.Ô-cư-bô cho biết, Việt Nam vẫn luôn ở trong danh sách lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm kiếm địa điểm đầu tư ở châu Á. “Dân số đông và tỷ lệ ở độ tuổi lao động cao, cùng với chi phí nhân công rẻ và vị trí địa lý thuận tiện cho giao thương của Việt Nam khiến các nhà đầu tư nước ngoài luôn phải cân nhắc khi lựa chọn địa điểm đầu tư”, ông H.Ô-cư-bô nói.
Dễ nhận ra rằng, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế khi tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do với các nước khác như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay hiệp định thương mại tự do với EU. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, nhằm hưởng lợi từ chi phí nhân công rẻ và thuế xuất khẩu thấp tại các thị trường mà Việt Nam tham gia ký hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, dù có những lợi thế trên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cảnh báo Việt Nam có thể bị tụt lại so với các quốc gia trong khu vực trong việc thu hút các dự án FDI, nếu không tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa.
“Năm 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập, và năm 2018 hàng rào thuế quan trong khu vực sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn, tạo ra khả năng mở rộng thị trường và cạnh tranh lớn. Nếu Việt Nam không có chính sách phù hợp thì sẽ bị chậm trễ và lạc hậu hơn so với nhiều nước trong khu vực” – Giám đốc phòng Kế hoạch của Công ty Panasonic Việt Nam N.Xư-giu-ra, nói. Khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lựa chọn nơi nào có lợi thế cạnh tranh nhất để xây dựng dự án đầu tư, và ưu tiên thường là những quốc gia có khả năng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ tốt, và cơ chế chính sách thuận tiện.
Nhận xét của ông Xư-giu-ra cũng giống như nhiều kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài khác tại các kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp diễn ra hai năm một lần vào dịp giữa và cuối năm. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều cho rằng, vẫn còn tồn tại những quy định phức tạp khiến cho môi trường kinh doanh bị tác động xấu. Thí dụ như các thủ tục cấp phép một dự án đầu tư thường được tiến hành trong một thời gian rất dài, trong khi đó việc giải phóng mặt bằng lại là vấn đề lớn cản trở nhiều dự án đã được cấp phép. “Chúng tôi vẫn lo ngại nhiều về sự thay đổi chính sách tại Việt Nam. Nếu như Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn các vấn đề liên quan đến chính sách, thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng, tôi tin rằng Việt Nam sẽ thu hút được nhiều dự án FDI hơn trong thời gian tới” – Chủ tịch Công ty Toyo Drilube có nhà máy tại Hà Nam M.Li-nô khẳng định.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()