Cải thiện dinh dưỡng cho lứa tuổi vàng
LSO- Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh quan tâm thực hiện nhiều giải pháp về tăng cường, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ trong quá trình học tập, trong đó có việc triển khai chương trình sữa học đường.
Học sinh Trường Mầm non xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn uống sữa tại trường học
Ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sữa học đường, giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, từ năm học 2017 – 2018, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch đưa chương trình sữa học đường vào trong trường học đối với cấp mầm non. Mục tiêu của chương trình là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa nhằm tăng cường dinh dưỡng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD), nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Để chương trình triển khai có hiệu quả, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã thực hiện các giải pháp khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia tài trợ chương trình. Lồng ghép chương trình sữa học đường với dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Nhờ đó, năm học 2018 – 2019, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ của Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Thiên Phú trong cung ứng, tài trợ sản phẩm sữa tươi (nhãn hiệu Meta care – Havit) đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn sữa tươi học đường của Bộ Y tế, có bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với sự hấp thu của trẻ cho trẻ em mầm non thuộc các trường mầm non công lập trên địa bàn toàn tỉnh năm học 2018 – 2019, với mức hỗ trợ 1/3 cốc sữa/trẻ/ngày, còn lại là kinh phí nhà trường và phụ huynh đóng góp.
Cô Lã Hương Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Khánh Khê, huyện Văn Quan cho biết: Sau khi tuyên truyền và triển khai chương trình sữa học đường, nhà trường đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận của các phụ huynh. Đối với học sinh, trong tuần định kỳ được thay đổi khẩu phần ăn và uống sữa khiến các em thích thú hơn và ăn uống đầy đủ hơn.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác phòng, chống SDD trẻ em trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định. Thống kê riêng trong các trường mầm non trên địa bàn tỉnh cho thấy: tỷ lệ SDD năm học 2017 – 2018, thể nhẹ cân trẻ dưới 5 tuổi là 2,8%; thể thấp còi là 3,73%. Đến năm học 2018 – 2019, tỷ lệ SDD ở trẻ đã giảm nhẹ, đối với trẻ SDD thể nhẹ cân trẻ dưới 5 tuổi còn 2,65%; thể thấp còi trẻ dưới 5 tuổi còn 3,32%.
Để tiếp tục cải thiện tình trạng SDD ở trẻ, cùng với việc xây dựng khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình sữa học đường tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình sữa học đường năm học 2019 – 2020 và năm học 2020 – 2021. Đối tượng thụ hưởng là trẻ mầm non và học sinh tiểu học đang học tại các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tham gia chương trình, trẻ được uống sữa trong 9 tháng của một năm học (trừ 3 tháng hè), mỗi trẻ được uống 3 lần/tuần, mỗi lần uống 180 ml. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn, năm học 2019 – 2020 triển khai tại 100% các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh, năm học 2020 – 2021 triển khai đại trà toàn tỉnh tại 100% trường mầm non và tiểu học. Trong đó, các thành viên trong Ban Chỉ đạo tích cực tham mưu việc thực hiện các kế hoạch của chương trình theo lĩnh vực được phân công; có kế hoạch tuyên truyền, vận động ủng hộ nguồn quỹ hỗ trợ chương trình sữa học đường…
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc triển khai chương trình sữa học đường chỉ là một trong số các hoạt động bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra, các trường cần quan tâm, tuân thủ quy trình chăm sóc trẻ, cho trẻ rèn luyện thể dục thể thao; đảm bảo chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi và tuân thủ nghiêm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc dinh dưỡng trẻ em cho các bậc phụ huynh… Có như vậy mới góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và phòng chống SDD cho trẻ.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()