Cải thiện điều kiện sống cho nạn nhân chất độc da cam
Đoàn cán bộ T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm, tặng quà gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Thanh Hóa. Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 100 nghìn tấn chất độc hóa học với tên gọi "chất khai quang, diệt cỏ và làm rụng lá" để rải xuống các chiến trường miền nam Việt Nam, trong đó có 50 triệu lít chất da cam chứa khoảng 360 kg đi-ô-xin.Đi-ô-xin là chất cực kỳ độc hại mà con người đã tìm ra cho đến nay, với nồng độ một phần tỷ gam đi-ô-xin có thể gây ung thư, suy giảm miễn dịch, tạo ra các tai biến sinh sản và dị tật bẩm sinh cho các thế hệ. Chất này còn rất nguy hiểm bởi tính bền vững của nó, với thời gian bán hủy trong đất là 100 năm, trong các mô mỡ của người từ bảy đến 11 năm.Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ đối với các nạn nhân chất độc da cam. Chính phủ đã chi khoảng 800 tỷ đồng cho 175 nghìn/600 nghìn người...
|
Đi-ô-xin là chất cực kỳ độc hại mà con người đã tìm ra cho đến nay, với nồng độ một phần tỷ gam đi-ô-xin có thể gây ung thư, suy giảm miễn dịch, tạo ra các tai biến sinh sản và dị tật bẩm sinh cho các thế hệ. Chất này còn rất nguy hiểm bởi tính bền vững của nó, với thời gian bán hủy trong đất là 100 năm, trong các mô mỡ của người từ bảy đến 11 năm.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ đối với các nạn nhân chất độc da cam. Chính phủ đã chi khoảng 800 tỷ đồng cho 175 nghìn/600 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng của chất độc hóa học để các nạn nhân được hưởng chế độ ưu đãi (chiếm 29,2%). Ngày 29-6-2005, Ủy ban Thường vụ QH ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Chính phủ đã có Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người có công với cách mạng. Theo đó, ngoài chế độ trợ cấp, các đối tượng này được hưởng các ưu đãi khác như bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng lao động, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình… Con đẻ của họ được hưởng trợ cấp hằng tháng và các chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin (Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam) Nguyễn Thị Xuân, chính sách này vẫn phải tiếp tục hoàn thiện vì việc ban hành các chế độ, chính sách cho nạn nhân chất độc da cam còn bất cập, mức trợ cấp còn thấp (mới được trợ cấp gần 30%). Thủ tục xét trợ cấp còn phức tạp, còn nhiều nạn nhân bị hậu quả chất độc da cam nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách. Chưa có chế độ trợ cấp cho thế hệ cháu (F2) của nạn nhân chất độc da cam. Còn nhiều người vẫn chưa được hưởng chế độ, cuộc sống hằng ngày của họ ngày càng khó khăn vì phải luôn chống lại bệnh tật, khó khăn và nghèo đói…
Để từng bước tạo điều kiện tốt hơn cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, Thường vụ Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin (NNCĐDC) và ngày 9-6-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 105/1998/QĐ-TTg cho phép thành lập Quỹ Bảo trợ NNCĐDC trực thuộc Hội CTĐ Việt Nam. Thông qua các hình thức vận động, mà điển hình là phong trào “Tết vì người nghèo và NNCĐDC” và “Tháng hành động vì NNCĐDC” do T.Ư Hội CTĐ Việt Nam phát động, đến nay các cấp hội đã vận động và trao tặng số tiền, hàng với tổng trị giá hơn 556 tỷ đồng, hỗ trợ hơn năm triệu lượt hộ nghèo và NNCĐDC. Ngoài việc thăm, tặng quà và bảo trợ thường xuyên, các cấp hội chú trọng giúp đỡ các nạn nhân có thu nhập, vượt qua đói nghèo, ổn định đời sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng bằng nhiều hình thức mang tính bền vững tại cộng đồng, như: tư vấn, hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua nhóm tự giúp của các gia đình hội viên CTĐ; dạy nghề, tạo việc làm; vay vốn chăn nuôi, phát triển sản xuất và các dịch vụ tăng thu nhập; cấp nhà CTĐ, bảo trợ thường xuyên, khám, chữa bệnh, phẫu thuật, phục hồi chức năng, dạy nghề, tạo việc làm, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ vốn sản xuất… cho hàng nghìn nạn nhân. Dự án “Giúp đỡ NNCĐDC các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh giai đoạn 2006-2010” do Chính phủ hỗ trợ kinh phí, bao gồm các hoạt động chủ yếu mang tính phát triển bền vững như: “khám phân loại nạn nhân”; “phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng”; “dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân”; “hỗ trợ vốn và phương tiện sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình nạn nhân” được đánh giá là một trong mười mô hình tốt nhất ở Việt Nam về việc giúp đỡ người khuyết tật và NNCĐDC hai năm 2009-2010.
Theo Nhandan
Ý kiến ()