Cải thiện chỉ số DDCI năm 2021: Phát huy vai trò người đứng đầu
– Năm 2021, chỉ số “Vai trò người đứng đầu” trong bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) tiếp tục có sự cải thiện với sự tăng điểm của 26/35 đơn vị. Điều này cho thấy sự lắng nghe, đối thoại và hành động của các cấp chính quyền, những người đứng đầu đơn vị đã được các doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Năm 2021, chỉ số “Vai trò người đứng đầu” đối với khối địa phương tăng từ 8,41 điểm lên 8,78 điểm. Trong đó, những chỉ tiêu quan trọng được doanh nghiệp đánh giá cao như: trên 91% cho rằng “lãnh đạo chính quyền có hành động cụ thể và thiết thực để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp”; 92,54% doanh nghiệp đánh giá “Lãnh đạo địa phương đã giám sát và có biện pháp kịp thời chấn chỉnh/xử lý cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn – tiêu cực được doanh nghiệp phản ánh”… Qua đó, giúp doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm sản xuất, kinh doanh và mở rộng quy mô.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu về những khó khăn, vướng mắc tại Hội nghị trao đổi, toạ đàm giữa Công an tỉnh với doanh nghiệp diễn ra vào tháng 9/2021
Đơn cử như tại Công ty TNHH MTV Tâm Đức LS, huyện Văn Lãng, bà Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc công ty cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Năm 2021, sự quan tâm của lãnh đạo và các phòng, ban chuyên môn của huyện đã giúp công ty ổn định hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh, nhờ đó, kết quả hoạt động của công ty vẫn tương đương với mọi năm, đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 800 triệu đồng. Hiện nay, UBND huyện cũng đang rất quan tâm, bám sát để giúp công ty tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng để mở rộng sản xuất, kinh doanh trong năm 2022 và những năm sắp tới.
Cùng với các địa phương, người đứng đầu các sở, ban, ngành thời gian qua cũng thể hiện sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường các kênh thông tin tiếp nhận ý kiến, phản hồi từ doanh nghiệp nhằm cải thiện các chỉ số. Theo kết quả khảo sát DDCI Lạng Sơn năm 2021, điểm trung vị chỉ số “Vai trò người đứng đầu” khối sở, ban, ngành đạt 6,98 điểm, tăng 0,87 điểm so với năm 2020. Hầu hết các chỉ tiêu được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực hơn. Cụ thể như: 95,06% doanh nghiệp phản hồi “Lãnh đạo sở, ban, ngành quyết liệt trong điều hành giám sát tuân thủ kỷ luật và nề nếp TTHC”; có 94,89% doanh nghiệp cho rằng “Lãnh đạo sở, ban, ngành kiên trì cải thiện văn hóa ứng xử của công chức và hệ thống”… Trong đó, điểm sáng là Công an tỉnh với 2/5 chỉ tiêu thành phần đạt 10/10 điểm. Sở Công Thương và Cục Thuế tỉnh cũng là 2 trong số các đơn vị được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đối với chỉ số này.
Để có được những kết quả đó, trong năm 2021, người đứng đầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trên toàn tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hướng tới tạo thiện cảm với cộng đồng doanh nghiệp. Đơn cử như: công khai số điện thoại lãnh đạo đơn vị trên trang thông tin điện tử, sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp; hoặc chỉ đạo văn phòng, các phòng, ban chuyên môn chủ động liên lạc, nắm bắt tình hình; xây dựng các kênh thông tin qua mạng xã hội (facebook, zalo) để kịp thời thông tin, tham mưu những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Ông Đào Trọng Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết: Chỉ số “vai trò người đứng đầu” là chỉ số có sự cải thiện nhiều nhất trong 2 năm 2020 và 2021. Điều này cho thấy lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố đã quan tâm hơn tới việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời cho thấy niềm tin của doanh nghiệp với chính quyền trong thời gian qua đã được nâng lên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, một số sở, ban, ngành, huyện, thành phố đã và đang tích cực xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số DDCI để chủ động triển khai ngay từ đầu năm. Việc đánh giá, xếp hạng đã và đang cho thấy hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy các đơn vị tăng cường cải cách, hướng tới xây dựng chính quyền thân thiện, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Chỉ số “Vai trò người đứng đầu” dựa trên đánh giá từng chỉ tiêu cụ thể. Đối với các sở, ban, ngành gồm 5 chỉ tiêu, với khối địa phương gồm 7 chỉ tiêu. Một số chỉ tiêu quan trọng, được đánh giá chung ở cả 2 khối như: lắng nghe và tiếp thu ý kiến góp ý của doanh nghiệp; có hành động cụ thể, thiết thực giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp; tích cực cải thiện văn hoá ứng xử, kịp thời chấn chỉnh, xử lý cán bộ có hành vi tiêu cực, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ… |
Ý kiến ()