Cải thiện chỉ số “chi phí không chính thức”: Quyết tâm của ngành thuế
(LSO) – Năm 2020, Cục Thuế tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số về chi phí không chính thức trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp sở, ngành của tỉnh.
Ba năm liên tiếp (2017 – 2019), Cục Thuế tỉnh đứng đầu khối các sở, ngành của tỉnh về chỉ số DDCI. Tuy nhiên, trong đó có một chỉ số thành phần điểm số còn khá “khiêm tốn” là chỉ số về chi phí không chính thức. Cụ thể năm 2017, chỉ số này mới đạt 6,92 điểm, đứng thứ 5/15 sở, ngành được khảo sát; năm 2018 đạt 5,3 điểm, đứng thứ 16/21 sở, ngành và năm 2019 đạt 5,38 điểm, đứng thứ 17/23 sở, ngành.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực IV trao đổi nghiệp vụ để hỗ trợ người nộp thuế
Để khắc phục chỉ số còn thấp điểm, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó việc chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bà Nguyễn Thị Đặng Hằng, Trưởng Phòng thanh tra, kiểm tra thuế – Cục Thuế tỉnh cho biết: Hiện Cục Thuế tỉnh có 67 công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế (trong đó có 17 công chức tại Phòng Thanh tra, kiểm tra; 50 công chức tại các chi cục thuế trực thuộc). Đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế tiếp xúc nhiều nhất với người nộp thuế và đây cũng là lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực nhất. Chính vì vậy, việc nâng cao nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra thuế được triển khai thường xuyên.
Cụ thể hằng năm, tất cả các công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế đều được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra tại tỉnh; 10 – 15 công chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ do Tổng cục Thuế tổ chức cũng như tham gia các hội nghị tập huấn lồng ghép. Các lớp bồi dưỡng, tập huấn, những cuộc họp chuyên đề đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nghiệp vụ, nâng cao ý thức, trách nhiệm đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức.
Bên cạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn được triển khai thường xuyên, năm 2020, ngành thuế còn tập trung triển khai những giải pháp khác để vừa nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, vừa đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm công chức làm công tác thanh tra. Gần đây nhất, vào tháng 5/2020, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã trực tiếp họp với các công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong toàn ngành… Trong đó, yêu cầu trưởng phòng thanh tra, kiểm tra, chi cục trưởng các chi cục thuế triển khai đầy đủ, chặt chẽ các quy trình về công tác thanh tra, kiểm tra thuế; các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế phải thực hiện nghiêm thời gian làm việc tại doanh nghiệp; tổng hợp, tham mưu xây dựng cẩm nang thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…
Không những vậy, để tránh những trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, thời gian qua, ngành thuế đã lựa chọn cán bộ phù hợp, đồng thời điều động một số công chức từ bộ phận thanh tra, kiểm tra đến bộ phận khác. Bên cạnh đó, khi gửi quyết định thanh, kiểm tra, ngành thuế còn gửi kèm thư ngỏ đến người nộp thuế. Trong nội dung thư ngỏ quy định rõ thời gian làm việc tại doanh nghiệp; địa chỉ thư điện tử; số điện thoại của lãnh đạo Cục Thuế tỉnh và các phòng nghiệp vụ liên quan để người nộp thuế có thể phản ánh trực tiếp các trường hợp thanh tra, kiểm tra chưa đúng quy định (trước đây, việc triển khai thư ngỏ chỉ ở Cục Thuế tỉnh thì hiện nay các chi cục bắt đầu thực hiện nội dung này).
Những giải pháp cụ thể đã và đang được triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế trên địa bàn tỉnh. Mức truy thu, phạt bình quân 1 cuộc thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế đã tăng mạnh qua các năm (cụ thể như: năm 2015 truy thu hơn 2,2 tỷ đồng sau thanh tra, truy thu và phạt sau kiểm tra được hơn 3,4 tỷ đồng; năm 2019, số tiền truy thu và phạt sau thanh tra được 6,7 tỷ đồng, truy thu và phạt sau kiểm tra trên 8,5 tỷ đồng). Qua 5 tháng đầu năm 2020, ngành thuế đã hoàn thành thanh tra 12 doanh nghiệp với số tiền phát sinh phải nộp trên 500 triệu đồng; thực hiện kiểm tra 41 doanh nghiệp, số tiền phát sinh phải nộp sau kiểm tra gần 1,5 tỷ đồng.
Cùng với việc thực hiện nghiêm, đúng quy định đối với công tác thanh tra, kiểm tra, để cải thiện điểm số chỉ số chi phí không chính thức, ngành thuế còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa quản lý thuế để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức thuế với người nộp thuế. Đến nay đã có trên 99% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia khai thuế, nộp thuế điện tử; 93,68% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử…
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Với những giải pháp cụ thể được triển khai thực hiện, năm 2020, ngành thuế quyết tâm đạt từ 7,2 điểm trở lên đối với chỉ số chi phí không chính thức. Qua đó, phấn đấu giữ vững vị trí dẫn đầu DDCI khối các sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Chỉ số chi phí không chính thức được sử dụng để đo lường các khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để chi trả các khoản phí không liên quan đến sản xuất, đầu tư, tiền phạt và các khoản phí bất thường khác trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. |
Ý kiến ()