Cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng hạng thị trường chứng khoán
Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam nhấn mạnh trước hơn 160 nhà đầu tư quốc tế: ‘‘Quyết định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế theo cam kết WTO đối với các công ty đại chúng là một bước cải thiện thực chất chất lượng hàng hóa, nhằm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam’’.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đáp ứng mong mỏi của nhà đầu tư về triển vọng chính sách trong lĩnh vực chứng khoán, ngày 26-6-2015, Chính phủ ký ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế theo cam kết WTO.
Theo đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, việc khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài sẽ được tiếp tục nâng tầm cao mới bằng cách thực hiện giải pháp nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm các thị trường chứng khoán cận biên lên nhóm các thị trường chứng khoán đang phát triển trên bảng MSCI; xây dựng hệ thống các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cấp mã số online cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN); triển khai rút ngắn chu kỳ thanh toán trong giao dịch chứng khoán từ T 3 xuống T 2 và các biện pháp kỹ thuật khác nhằm thúc đẩy thanh khoản trên thị trường thứ cấp.
Bên cạnh đó, ngành tài chính cũng đề xuất cho phép NĐTNN được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu (bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp). Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP về thị trường chứng khoán phái sinh, và hiện nay đang hoàn tất thông tư và các quy định, quy chế hướng dẫn nhằm sớm đưa thị trường này vào vận hành với hai sản phẩm ban đầu là hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết, tiếp tục phát triển các loại hình quỹ như quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản REITs, quỹ hưu trí; phát triển sản phẩm covered warrant, chứng chỉ lưu ký toàn cầu GDR, các bộ chỉ số chứng khoán mới; tiếp tục nâng cao yêu cầu công bố thông tin, tính minh bạch và quản trị công ty (sửa quy định về công bố thông tin theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc của IOSCO; sửa quy định về quản trị công ty tại Thông tư 121 theo nguyên tắc của OECD); xây dựng chuẩn mực kế toán cho thị trường vốn theo giá trị hợp lý: trước mắt sẽ áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán nhằm phản ánh đúng tình hình hoạt động của các tổ chức trung gian.
Đồng thời, sẽ tiếp tục hiện đại hóa tổ chức thị trường giao dịch, hệ thống bù trừ, thanh toán (thực hiện hợp nhất hai Sở Giao dịch chứng khoán hiện tại nhằm nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; nâng cao hệ thống hạ tầng công nghệ, tăng cường khả năng kết nối khu vực; phát triển mới hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán bù trừ; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giám sát, công bố thông tin; chuyển giao chức năng thanh toán tiền sang Ngân hàng trung ương theo thông lệ; tiếp tục hoàn thiện chức năng DVP của Trung tâm lưu ký theo chuẩn mực quốc tế; phát triển chức năng CCP cho Trung tâm lưu ký phục vụ giao dịch chứng khoán phái sinh, tiến tới cho các giao dịch khác.
Cùng với những giải pháp trên, ngành tài chính sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm (nâng cao chức năng điều tra cho UBCKNN; phát triển hệ thống giám sát thị trường; nâng chế tài xử lý vi phạm; phối hợp thực hiện giám sát giao dịch xuyên biên giới) song song với việc hoàn thiện cơ chế thuế áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán, như: xem xét áp dụng cơ chế thuế phù hợp cho các sản phẩm mới và cho các loại giao dịch chứng khoán theo thông lệ quốc tế nhằm khuyến khích đầu tư lâu dài. Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hệ thống pháp lý đã ngày càng hoàn thiện; sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng và thị trường có tốc độ phát triển nhanh. Lĩnh vực bảo hiểm cũng là lĩnh vực Việt Nam ưu tiên mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm Mỹ đã tham gia thị trường Việt Nam như AIA, AIG, ACE nhân thọ, ACE phi nhân thọ, MetLife.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()