Cải thiện bữa ăn ca của người lao động
(LSO) – Bữa ăn ca có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của người lao động, góp phần nâng cao năng suất, tạo ra của cải vật chất cho doanh nghiệp. Vì vậy, các cấp công đoàn, thường xuyên quan tâm, đề xuất với chủ doanh nghiệp nâng cao chất lượng bữa ăn ca của công nhân, lao động (CNLĐ).
Hiện nay, cả tỉnh có 72 đơn vị, doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho 3.653 người lao động. Việc tổ chức ăn ca được các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện với nhiều hình thức như: nấu ăn, phục vụ tại bếp ăn tập thể hoặc cộng tiền hỗ trợ ăn ca vào lương hằng tháng… Thời gian qua, các CĐCS đã chủ động tuyên truyền với lãnh đạo đơn vị, ban giám đốc công ty về vai trò, tầm quan trọng của bữa ăn ca, đồng thời đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca của CNLĐ vào đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể, làm cơ sở để đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên, CNLĐ về việc ăn ca. Không chỉ tuyên truyền, các CĐCS còn tích cực tham gia ý kiến đề xuất cải thiện, nâng mức chi suất ăn. Bà Hoàng Thị Huệ, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Một thành viên xe điện DK Việt Nhật (Cao Lộc) cho biết: Hằng ngày, bếp ăn công ty phục vụ hơn 100 suất ăn cho CNLĐ. Từ đầu năm 2019, CĐCS kiến nghị, công ty đã tăng suất ăn từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/suất, nhờ đó chất lượng bữa ăn của CNLĐ được cải thiện hơn. Từ tháng 5/2020, CĐCS phối hợp với Ban Giám đốc công ty trang bị bình đựng nước thủy tinh cho 100% CNLĐ, phát đồ uống, đồ ăn nhẹ cho CNLĐ 3 lần/tuần để đảm bảo sức khỏe trong mùa nắng nóng.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên xe điện DK Việt Nhật (Cao Lộc) trong giờ ăn trưa
Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) bữa ăn ca cũng được các cơ quan, đơn vị chức năng và các cấp công đoàn chú trọng thực hiện. Hằng năm, Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATVSTP; phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho chủ sử dụng CNLĐ. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể, các đơn vị cung ứng thực phẩm phục vụ bếp ăn tập thể. CĐCS thực hiện giám sát, phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về ATVSTP. Qua các đợt thanh, kiểm tra cho thấy: hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp đều đảm bảo ATVSTP bữa ăn ca, những năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thức ăn nào tại bếp ăn tập thể của đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐCS công ty cho biết: Công ty hiện có 3 bếp ăn tập thể cung cấp 500 suất ăn/ngày. Không chỉ nâng mức chi từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng/suất, để đảm bảo chất lượng và ATVSTP bữa ăn ca, CĐCS đã đề xuất với ban giám đốc đầu tư bổ sung các trang thiết bị hiện đại như: nồi hơi, khay chia cơm, hệ thống bếp ăn một chiều; thường xuyên kiểm tra giám sát quy trình chế biến thức ăn để đảm bảo từ nguyên liệu đầu vào cho đến khâu sơ chế, lưu trữ, nấu nướng, soạn chia, phục vụ, dọn dẹp phải tuân theo một dây chuyền chế biến an toàn.
Ông Lương Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết: Bữa ăn ca không chỉ đảm bảo sức khỏe người lao động mà còn quyết định tới năng suất lao động của doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về chất lượng bữa ăn ca của người lao động, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp CĐCS tăng cường công tác tuyên truyền đến chủ doanh nghiệp quan tâm cải thiện bữa ăn ca cho CNLĐ, đưa nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể, làm cơ sở thỏa thuận, đối thoại với chủ doanh nghiệp. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh cũng lồng ghép nội dung giám sát bữa ăn ca đối với doanh nghiệp có tổ chức ăn ca cho CNLĐ trong các cuộc kiểm tra, giám sát. Qua đó, 100% đơn vị tổ chức ăn ca đảm bảo mức 15.000 đồng/suất trở lên, trong đó, đa số trên 15.000 đồng/suất.
Có thể nói, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp công đoàn, bữa ăn ca của CNLĐ tại các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dần được cải thiện và nâng cao chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho CNLĐ. Qua đây thể hiện sự quan tâm, chăm lo, khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn đối với đoàn viên, CNLĐ.
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()