Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt theo Nghị quyết số 95: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
- Do những vướng mắc về một số tiêu chí theo quy định, thời gian qua, việc thực hiện cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, không có khả năng phục hồi trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 95 ngày 20/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 gặp nhiều khó khăn.
Việc thực hiện cải tạo đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 95 sẽ góp phần không nhỏ trong tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để nghị quyết trên đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Xuất phát từ thực tiễn
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 602.000 ha đất lâm nghiệp; diện tích đất có rừng là hơn 578.000 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là trên 257.000 ha. Cả tỉnh có khoảng 3.800 gia đình, cá nhân là chủ rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt, chưa có trữ lượng với tổng diện tích khoảng 20.000 ha.
Trước khi Nghị quyết số 95 ban hành, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng người dân tự ý phá rừng tự nhiên để trồng rừng. Nguyên nhân lớn nhất vẫn đến từ việc người dân tại một số địa phương chưa có rừng sản xuất. Theo thống kê của ngành kiểm lâm tỉnh, từ năm 2020 - 2022, trung bình mỗi năm toàn tỉnh xảy ra trên 100 vụ vi phạm quy định về lâm nghiệp. Trong đó, có nhiều vụ phá rừng tự nhiên trái pháp luật.
Điển hình nhất là tại huyện Bình Gia. Tính từ năm 2020 đến năm 2022, toàn huyện xảy ra trên 120 vụ vi phạm quy định về lâm nghiệp thì có đến hơn 50% số vụ là phá rừng tự nhiên trái phép. Theo ông Hoàng Ngọc Dương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia, hiện nay huyện có trên 85.000 ha rừng, trong đó có trên 61.000 ha rừng tự nhiên. Nguyên nhân của vi phạm là các hộ dân thiếu đất sản xuất, chưa hiểu rõ quy định của pháp luật nên tự ý phát cây thuộc diện tích rừng tự nhiên để trồng các loại cây khác.
Theo đánh giá từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc cải tạo để phát triển kinh tế lâm nghiệp sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, ước tính có thể đạt từ 100 - 250 triệu đồng/ha với mỗi chu kỳ từ 5 năm đến hơn 10 năm phụ thuộc vào loại cây, gỗ. Do vậy, việc cải tạo diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt trên địa bàn không chỉ tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế từ lâm nghiệp mà còn góp phần giảm đáng kể các vụ vi phạm quy định về lâm nghiệp.
Từ tình hình thực tế, ngày 20/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 95 về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030; ngày 9/11/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 231 về thực hiện Nghị quyết số 95, đề ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến thực hiện cải tạo khoảng 6.000 - 9.000 ha; giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến thực hiện cải tạo khoảng 10.000 - 15.000 ha.
Tích cực triển khai
Sau khi Nghị quyết số 95 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 231 của UBND tỉnh được ban hành, từ cuối năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 5 văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện tích cực thực hiện. Bên cạnh đó, sở đã chủ động xây dựng, ban hành 33 văn bản về thực hiện các nội dung tại nghị quyết trên, phối hợp với các huyện, thành phố hướng dẫn chính quyền cơ sở triển khai thực hiện.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia, sau khi Nghị quyết số 95 ban hành, ngày 20/9/2022, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 68 về việc thực hiện Nghị quyết số 95; thành lập tổ giúp việc Hội đồng thẩm định cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bình Gia giai đoạn 2023 - 2025. Cùng đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Phòng NN&PTNT huyện tích cực phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, phổ biến đến người dân về nội dung này.
Theo bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia, từ khi thực hiện Nghị quyết số 95, đơn vị đã phối hợp với các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn xây dựng các bản tin tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng cho khoảng 70.000 lượt người nghe. Bên cạnh đó, các đơn vị đã tổ chức khoảng 100 cuộc tuyên truyền dưới các hình thức họp, hội nghị cấp huyện, cấp xã và họp thôn. Qua đó, phổ biến về Nghị quyết số 95 và các quy định của pháp luật có liên quan cho khoảng 10.000 lượt người (chủ yếu là các chủ rừng).
Không chỉ riêng huyện Bình Gia, tính từ cuối năm 2022 đến nay, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức trên 600 hội nghị, cuộc họp từ cấp huyện đến cấp xã, họp thôn, bản cho khoảng 40.000 lượt người tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, chủ rừng về các quy định của pháp luật và các nội dung, đối tượng áp dụng đối với công tác cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhiều chủ rừng đã nộp hồ sơ xin cải tạo rừng. Đến nay, đã có 669 hồ sơ xin cải tạo rừng của các chủ rừng được Phòng NN&PTNT của 6/11 huyện, thành phố tiếp nhận với tổng diện tích xin cải tạo hơn 1.600 ha. Trong đó, trên 90% hồ sơ phát sinh trên địa bàn huyện Tràng Định và huyện Bình Gia.
Đề xuất giải pháp
Số lượng hồ sơ xin cải tạo rừng là không nhỏ, tuy nhiên, các hồ sơ sau khi được các cơ quan chuyên môn thẩm định thì gần như đều chưa đủ điều kiện để phê duyệt.
Qua tìm hiểu thực tế tại 2 huyện có số lượng hồ sơ lớn nhất tỉnh là huyện Tràng Định và huyện Bình Gia, chúng tôi được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Theo đó, phần lớn chủ rừng có nguyện vọng được cải tạo rừng theo biện pháp cải tạo toàn diện. Tuy nhiên, theo Thông tư số 29 ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về các biện pháp lâm sinh, việc cải tạo rừng cần tuân thủ theo quy định về cải tạo theo băng hoặc theo đám; việc cải tạo toàn diện chỉ áp dụng đối với các lô rừng có độ dốc dưới 25 độ. Trong khi đó, phần lớn rừng trên địa bàn tỉnh đều có độ dốc lớn trên 25 độ. Do vậy, biện pháp người dân đề xuất cải tạo chưa đáp ứng theo quy định trên.
Ông Hoàng Văn Đại - một trong số hơn 160 chủ rừng xin cải tạo rừng tại xã Tân Tiến, huyện Tràng Định cho biết: Gia đình có khoảng 5 ha rừng chủ yếu là cây bụi, không có giá trị và đang muốn xin cải tạo toàn diện. Tuy nhiên, theo quy định, gia đình chỉ được thực hiện cải tạo theo băng hoặc theo đám, vì vậy, việc cải tạo đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, Thông tư số 29 cũng quy định việc cải tạo cần giữ lại cây gỗ tái sinh mục đích. Tuy nhiên, hiện nay Bộ NN&PTNT chưa ban hành hướng dẫn để xác định danh mục cây tái sinh mục đích khiến các cơ quan chuyên môn chưa có cơ sở để thẩm định.
Ngoài các khó khăn trên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thời điểm xây dựng Nghị quyết số 95 (đầu năm 2022) sử dụng số liệu hiện trạng rừng công bố năm 2021. Đến nay, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt đủ điều kiện cải tạo đã có thay đổi nên không đủ điều kiện thực hiện.
Vì những khó khăn trên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 1/669 hồ sơ (tại huyện Văn Lãng) được thẩm định với diện tích khoảng 6 ha. Bên cạnh đó, trong quá trình rà soát, có 34 hồ sơ khác được các xã trình phê duyệt cho phép cải tạo với tổng diện tích 34,8 ha. Tuy nhiên, sau khi được phổ biến về quy định biện pháp cải tạo theo băng, đám thì đa phần người dân đã rút hồ sơ. Cùng đó, một số hồ sơ trong quá trình thẩm định cơ bản đạt toàn bộ các tiêu chí nhưng do vướng mắc về xác định cây mục đích nên chưa được hội đồng thẩm định trình UBND huyện phê duyệt.
Ngoài ra, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, trong quá trình thẩm định các hồ sơ xin cải tạo, hội đồng thẩm định của một số huyện chưa thật sự nỗ lực dẫn đến việc chậm tiến độ thẩm định. Đến nay, tiến độ thẩm định mới chỉ đạt trên 90% tổng số hồ sơ (hơn 600 hồ sơ đã thẩm định).
Theo ông Vũ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để từng bước tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện Nghị quyết số 95, Sở NN&PTNT đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng và đầy đủ về việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt cũng như các quy định liên quan. Bên cạnh đó, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục cây mục đích để làm cơ sở cho việc thẩm định các hồ sơ xin cải tạo của chủ rừng. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ thẩm định các hồ sơ phát sinh và kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện để đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Ngoài ra, để có thể giải quyết nguyện vọng, mong muốn của đa phần các chủ rừng trong việc lựa chọn biện pháp cải tạo, từ đầu tháng 5/2024, Sở NN&PTNT đã đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát, sửa đổi Điểm a, Khoản 2, Điều 8 của Thông tư số 29 về việc sử dụng biện pháp cải tạo toàn bộ đối với các lô rừng có độ dốc dưới 45 độ để phù hợp với địa hình thực tế của các tỉnh miền núi.
Có thể thấy, với tình hình phát triển kinh tế lâm nghiệp thực tế của tỉnh, việc ban hành Nghị quyết số 95 là đúng đắn, kịp thời và phù hợp với mong mỏi của nhiều người dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Do đó, để nghị quyết sớm đi vào thực tiễn thì bên cạnh việc đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, các cấp, ngành chuyên môn cần tiếp tục quan tâm, tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể để các chủ rừng có thể nắm rõ và đề xuất phương án cải tạo đáp ứng quy định của pháp luật.
Đến nay, đã có 669 hồ sơ xin cải tạo rừng của các chủ rừng được Phòng NN&PTNT của 6/11 huyện, thành phố tiếp nhận với tổng diện tích xin cải tạo hơn 1.600 ha, tuy nhiên mới chỉ có 1 hồ sơ đủ điều kiện phê duyệt.
|
Ý kiến ()