Cải tạo rừng tự nhiên không có khả năng phục hồi để phát triển kinh tế: Chủ động biện pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập
– Qua khảo sát thực tế và đánh giá của các lực lượng chức năng cho thấy, việc cải tạo rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi sang trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với việc duy trì diện tích rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi. Tuy nhiên, thời gian qua việc thực hiện các quy định liên quan còn nhiều vướng mắc.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại xã Đào Viên, huyện Tràng Định
Hiện nay, diện tích rừng tự nhiên đã được giao cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 60.000 ha, chiếm 66,3% là rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi. Thực tế cho thấy, việc cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi sang trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao, ước đạt khoảng 100 – 120 triệu đồng/ha khi khai thác đối với rừng gỗ nhỏ nguyên liệu chu kỳ 5 – 7 năm; đạt khoảng 200 – 250 triệu đồng/ha đối với rừng thâm canh gỗ lớn, chu kỳ trên 10 năm. Giá trị kinh tế là vậy song do các quy định hiện hành, việc triển khai chủ trương này còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Vì vậy, người dân đã được giao đất, giao rừng luôn mong mỏi được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tạo điều kiện cho phép được cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế rừng, ổn định đời sống.
Nhận thấy những bất cập trên, UBND tỉnh đã kiến nghị với các bộ, ngành trung ương, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp cải tạo rừng tự nhiên theo quy định và chỉ thực hiện cải tạo rừng tự nhiên ở những diện tích không có khả năng tự phục hồi để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Tiếp đó, ngày 20/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 95-NQ/TU về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030 (Nghị quyết số 95) để lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện. Ngày 9/11/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 95, đề ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2023 – 2025 dự kiến thực hiện cải tạo khoảng 6.000 – 9.000 ha (bình quân mỗi năm khoảng 2.000 – 3.000 ha); giai đoạn 2026 – 2030 dự kiến thực hiện cải tạo khoảng 10.000 – 15.000 ha (mỗi năm khoảng 2.000 – 3.000 ha).
Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền để Nhân dân hiểu và nhận thức rõ nội dung cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo các quy định là biện pháp lâm sinh thay thế rừng tự nhiên nghèo kiệt có năng suất, chất lượng thấp bằng rừng trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn; phổ biến các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư để người dân biết, tiếp cận và hưởng thụ các chính sách…
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chuyên môn trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp theo chức năng, lĩnh vực phụ trách. Trong đó, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn về thực hiện cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030. Theo đó, đối tượng áp dụng là các hộ gia đình, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối tượng đủ điều kiện giao đất đang quản lý, sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp… Nhờ những khó khăn, bất cập sớm được tháo gỡ, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục cá nhân, gia đình mạnh dạn nộp hồ sơ xin cải tạo rừng lên cơ quan chức năng với tổng diện tích 37,29 ha.
Vấn đề đặt ra đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi thuộc tiêu chí cải tạo chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, phân bố ở khu vực có địa hình chia cắt, độ dốc lớn, trên cùng một diện tích người dân xin cải tạo rừng có thể có một số vị trí không đáp ứng điều kiện để thực hiện cải tạo nên không được phép cải tạo. Do đó, người dân mong mỏi các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý để đăng ký cải tạo đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Thiết nghĩ, để những cơ chế chính sách đúng đắn và kịp thời trên đi vào đời sống thì hơn hết, ngành chức năng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần có sự hướng dẫn, tập huấn chi tiết, cụ thể, đảm bảo tính thống nhất; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng, phấn đấu làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ý kiến ()