Cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò
Kiểm tra dự án chăn nuôi bò tại xã Thượng Cường (Chi Lăng)
Dự án “Ứng dụng chăn nuôi bò thịt tại một số xã tỉnh Lạng Sơn” bắt đầu thực hiện từ năm 2012 do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Chi cục Thú y và Trung tâm Nghiên cứu bò, đồng cỏ Ba Vì triển khai thực hiện. Dự án triển khai tại 3 xã: Tô Hiệu (Bình Gia), Tân Đoàn (Văn Quan) và Thượng Cường (Chi Lăng) với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đối ứng trên 2 tỷ đồng bằng bò của gia đình.
Tham gia dự án này, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng đã lựa chọn 20 bò cái nền và 60 con bò vỗ béo để thực hiện hai mô hình nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo với 22 hộ dân tham gia. Các hộ được hỗ trợ ngói lợp, xi măng để kiên cố chuồng trại, giống cỏ để làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, còn được tập huấn phòng trừ một số dịch bệnh cho đàn bò, kỹ thuật trồng cỏ và chế biến thức ăn cho bò theo quy trình kỹ thuật của dự án.
Anh Nông Văn Vinh, thôn Tồng Nọt, xã Thượng Cường cho biết: gia đình tôi có 3 con bò, khi nghe UBND xã thông báo có dự án của Sở Khoa học – Công nghệ về cải tạo đàn bò và nâng cao chất lượng giống, gia đình tôi đã chủ động đăng ký tham gia. Trong quá trình tham thực hiện dự án, gia đình tôi cũng như các hộ tham gia khác được cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và Trạm Thú y huyện chuyển giao kỹ thuật như hướng dẫn thụ tinh nhân tạo cho bò, cách chăm sóc, phòng chống các bệnh thường gặp ở bò… do vậy, từ đó đến nay, đàn bò gia đình tôi phát triển tốt.
Gia đình ông Vy Văn Toản, ở thôn Khòn Nghiềng là một trong những hộ chăn nuôi bò nhiều nhất xã Thượng Cường. Sau khi tham gia dự án với mô hình nuôi bò sinh sản theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, được tiếp cận với kỹ thuật chăm sóc theo phương pháp khoa học, chế độ thức ăn phù hợp, đến nay, gia đình ông đã phát triển được thêm 4 con bê lai, có tầm vóc to hơn so với giống bê của địa phương.
Anh Lý Đức Cảnh, cán bộ thú y xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng cho biết: Sau 3 năm triển khai, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nuôi bò trên địa bàn xã. Đối với mô hình bò sinh sản, dự án đã thụ tinh nhân tạo cho gần 60 con bò cái, trong đó đã phối giống cho ra đời 54 con bê lai có tầm vóc lớn hơn so với giống bò cỏ của địa phương. Đối với các hộ tham gia mô hình vỗ béo, chỉ trong thời gian ngắn, trọng lượng của những con bò thịt đã tăng lên đáng kể.
Có thể thấy, dự án đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho người dân, không chỉ góp phần cải tạo lại đàn bò với tầm vóc to lớn hơn mà còn giúp người dân chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Chu Văn Hành, Chủ tịch UBND xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng cho biết: người dân trong xã tham gia dự án cải tạo đàn bò của Sở Khoa học và Công nghệ từ năm 2012, trong đó 2 hộ tham gia mô hình bò sinh sản, 20 hộ tham gia mô hình bò vỗ béo. Để đảm bảo theo quy trình, xã đã tuyên truyền đến bà con nông dân nghiên cứu học tập để vận dụng cải tạo đàn bò. Trong quá trình triển khai thực hiện đã giúp bà con thay đổi cách thức chăn nuôi hiệu quả.
Hiện nay, toàn xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng có trên 1.000 con bò, chủ yếu là nuôi thương phẩm. Thành công của dự án tại xã Thượng Cường cũng như xã Tân Đoàn (Văn Quan) và xã Tô Hiệu (Bình Gia) đã từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân. Đồng thời khẳng định hướng phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi bò theo hướng hàng hóa, phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay. Đây là nền tảng vững chắc để Lạng Sơn phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững.
Ý kiến ()