LSO-Trong những năm qua, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ. Ngoài việc chăn nuôi tập trung với quy mô hàng hóa, chú trọng các biện pháp an toàn sinh học thì cải tạo chất lượng đàn vật nuôi có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo chiều sâu.Theo đánh giá của Phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT thì tuy đang trên đà phát triển, nhưng đa phần các mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, chất lượng của đàn vật nuôi chưa được chú trọng. Đại gia súc có tầm vóc nhỏ bé, trong khi đó một số đang bị thoái hóa do hiện tượng lai cận huyết; các loại gia súc, gia cầm khác vẫn cơ bản là giống truyền thống, năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy việc cải tạo chất lượng đàn vật nuôi là một nhiệm vụ đặt ra vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với ngành chăn nuôi Lạng Sơn.Phát triển mô hình chăn nuôi bán chăn thả trên...
LSO-Trong những năm qua, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ. Ngoài việc chăn nuôi tập trung với quy mô hàng hóa, chú trọng các biện pháp an toàn sinh học thì cải tạo chất lượng đàn vật nuôi có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo chiều sâu.
Theo đánh giá của Phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT thì tuy đang trên đà phát triển, nhưng đa phần các mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, chất lượng của đàn vật nuôi chưa được chú trọng. Đại gia súc có tầm vóc nhỏ bé, trong khi đó một số đang bị thoái hóa do hiện tượng lai cận huyết; các loại gia súc, gia cầm khác vẫn cơ bản là giống truyền thống, năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy việc cải tạo chất lượng đàn vật nuôi là một nhiệm vụ đặt ra vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với ngành chăn nuôi Lạng Sơn.
|
Phát triển mô hình chăn nuôi bán chăn thả trên địa bàn huyện Đình Lập |
Ngay từ năm 1999, với nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia, Trạm khuyến nông huyện Chi Lăng đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò vàng địa phương bằng phương pháp thụ tinh tự nhiên. Phương pháp này dùng bò đực Lai sin thụ tinh với bò cái địa phương để tạo ra những con lai có tầm vóc và sức khỏe tốt hơn. Mô hình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, chỉ trong vòng 2 năm thực hiện đã tạo ra được trên 70 con bê lai. Từ năm 2007 đến nay, Chi Lăng tiếp tục đưa vào nhiều mô hình trồng cỏ thâm canh để vỗ béo bò thịt tại các xã Vạn Linh, Hòa Bình, Bằng Mạc…Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, trọng lượng của đàn bò thịt tại các địa phương trên đã tăng lên đáng kể, trung bình tăng từ 0,7-0,8kg/con/ngày đối với bò thường và từ 1-1,2kg/con/ngày đối với bò lai. Nhờ đó hiệu quả kinh tế được nâng lên một cách rõ rệt. Bà Vi Thị Lanh, cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông Chi Lăng, người đã từng gắn bó với các mô hình cải tạo đàn bò từ những ngày đầu tiên, tâm sự: Không chỉ hiệu quả kinh tế được nâng lên, mà quan trọng hơn là ý thức, tư duy của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Họ đã nhận thấy được lợi ích về kinh tế của việc nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, từ đó chủ động tiếp cận với những phương pháp chăn nuôi, chọn giống mới để phát triển chăn nuôi trong gia đình. Không riêng Chi Lăng, mà trong thời gian qua, nhiều địa phương khác trong địa bàn tỉnh cũng đang tích cực triển khai các mô hình cải tạo đàn đại gia súc. Quyết định 420 của UBND tỉnh về cải tạo và phát triển đàn bò được triển khai một cách có hiệu quả và mới đây, ngày 20/10/2010, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển và cải tạo đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là một động lực lớn để các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Ngoài ra, trong thời gian qua, đã có những địa phương chủ động và có cách làm sáng tạo, như ở Bình Gia đã thực hiện biện pháp bình tuyển và đảo trâu đực giống để tránh thoái hóa đàn do lai cận huyết, phương pháp này đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đối với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác cũng đã và đang bắt đầu có sự chú trọng về con giống, nhiều hộ chăn nuôi đã tìm hiểu và liên hệ tại những trung tâm giống lớn, đáng tin cậy trong nước để mua các giống mới như lợn siêu nạc, lợn lai, gà lương phượng…và cũng từ nguồn giống này, một phần họ tự chủ động được giống có chất lượng cho nhu cầu chăn nuôi của gia đình, mặt khác bước đầu cung cấp cho các hộ chăn nuôi lân cận, qua đó tạo điều kiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Trưởng phòng chăn nuôi, Sở NN&PTNT đánh giá: Cải tạo chất lượng đàn vật nuôi là một hướng đi đúng để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển chăn nuôi theo chiều sâu. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn việc cải tạo đàn vật nuôi gặp phải một số khó khăn do phụ thuộc nguồn giống ở các nơi khác, công tác thanh tra, kiểm tra giống vật nuôi còn gặp nhiều hạn chế và đặc biệt là tập quán chăn nuôi của người dân còn lạc hậu nên chất lượng vật nuôi cũng còn nhiều hạn chế. Ông Hùng cho biết: Theo kế hoạch, thì năm 2011, Lạng Sơn sẽ triển khai xây dựng quy hoạch về chăn nuôi, đây sẽ là một bước ngoặt, một cú hích mạnh mẽ thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Quy hoạch sẽ giúp các địa phương, các phòng chuyên môn định hướng phát triển chăn nuôi một cách đúng đắn và ngay cả các doanh nghiệp, khi có quy hoạch, họ cũng sẽ mạnh dạn đầu tư về vốn, giống và khoa học kỹ thuật góp phần đưa chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đương nhiên khi đó, một phần thế mạnh của một tỉnh miền núi như Lạng Sơn sẽ được phát huy và đóng góp vào sự phát triển chung.
Lê Minh
Ý kiến ()